Phát triển hợp tác xã theo hướng chất lượng, chuyên ngành
Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam vừa có chuyến khảo sát thực tế tại Bình Thuận để nắm bắt tình hình hoạt động các HTX, Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) trên địa bàn tỉnh, từ đó, sẽ có chương trình, giải pháp hỗ trợ phù hợp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Hồng Yến - Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Phát triển hợp tác xã theo hướng
PV: Xin bà có thể cho biết cảm nhận trong chuyến khảo sát tại một số HTX, Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh vừa qua?
Ngày 5/5, Liên minh HTX Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại 4 HTX trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc gồm: HTX Rau VietGAP Phú Long, HTX thanh long Thuận Tiến, HTX thanh long hữu cơ Phú Hội và Quỹ tín dụng nhân dân Hàm Hiệp. Qua khảo sát thực tế, tôi nhận thấy các HTX nông nghiệp đã có những bước phát triển nhất định, hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Một số HTX đã tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chủ động giải quyết đầu ra cho bà con nông dân. Đặc biệt là HTX Rau VietGAP Phú Long, tuy mới thành lập nhưng đây là một trong những đơn vị có tiềm năng phát triển rất lớn, HTX có vùng chuyên canh rau có truyền thống lâu đời, người nông dân nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, biết hợp tác làm ăn. Hiện nay các sản phẩm của HTX từng bước đi vào các siêu thị như Lotte, Big C. Đội ngũ cán bộ quản lý HTX thực sự là những người tâm huyết với kinh tế hợp tác, hết lòng vì HTX.
Bên cạnh đó, Quỹ TDND Hàm Hiệp hoạt động khá hiệu quả, với quy mô hoạt động trên địa 4 xã (Hàm Hiệp, Hàm Mỹ, Mương Mán và Hàm Thạnh) thuộc 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Qua đó, góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế hộ rất tốt; đặc biệt là hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.
PV: Theo bà, những khó khăn và hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách phát triển HTX, Quỹ TDND của Bình Thuận là gì?
Quá trình khảo sát, tôi nhận thấyhầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh đều ở quy mô nhỏ, có ít thành viên và nguồn vốn hoạt động thấp. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm còn yếu, chưa bền vững. Với quy mô hoạt động nhỏ, nguồn vốn ít, không có đất để xây dựng trụ sở; các HTX không đáp ứng các tiêu chí thụ hưởng của các chính sách, đặc biệt là không có vốn đối ứng để tham gia chính sách hỗ trợ kết cấu hạ tầng.
Mặt khác, đội ngũ cán bộ quản lý đa số đều lớn tuổi, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới nên việc tiếp cận các chính sách cũng gặp khá nhiều khó khăn. Ngoài ra, kinh phí dành cho các hoạt động hỗ trợ phát triển HTX còn hạn chế. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận chưa có Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nên các HTX rất khó tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh.
PV: Để HTX, Quỹ TDND Bình Thuận phát triển hơn trong thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ có những chương trình hỗ trợ phát triển như thế nào, thưa bà?
Để Quỹ TDND, HTX trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phát triển hiệu quả và bền vững, thay mặt Liên minh HTX Việt Nam, tôi đề xuất một số giải pháp. Cụ thể tỉnh nên tập trung phát triển HTX theo hướng chất lượng, quy mô lớn, chuyên ngành. Đồng thời, giải thể những HTX yếu kém để tập trung các nguồn lực hỗ trợ HTX.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng các chuỗi giá trị chất lượng cao, điển hình làm cơ sở phổ biến, nhân rộng. Mặt khác, Bình Thuận cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền để người dân thấy rõ vai trò của mô hình kinh tế tập thể, HTX. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch, chương trình hỗ trợ phát triển HTX theo hướng tổng thể trên cơ sở chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2021-2025. Kèm theo đó là điều chỉnh, xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng và phát triển HTX đồng bộ. Quy hoạch rõ tỷ lệ đất trong chính sách 5% đất công tại các xã, huyện để đáp ứng diện tích cho HTX phát triển sản xuất.
Về phía Liên minh HTX Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng cường tuyên truyền các mô hình HTX điển hình trên các phương tiện truyền thông trung ương và địa phương. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng 1-2 mô hình HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh; hỗ trợ các HTX truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Cùng với đó, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ số để hiện đại hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, hỗ trợ các HTX nông nghiệp tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là đối với trái thanh long của Bình Thuận. Mặt khác, nếu Bình Thuận thành lập được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam sẽ xem xét cân đối nguồn lực để điều phối ủy thác 20 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trung ương hỗ trợ các HTX tỉnh Bình Thuận vay vốn. Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, kết nối cung cầu, thành lập các liên đoàn HTX chuyên ngành theo từng lĩnh vực. Xây dựng sàn giao dịch điện tử HTX, đưa tất cả hàng đưa tất cả hàng hóa của HTX đủ tiêu chuẩn lên sàn thương mại để tăng cường kết nối cung cầu cho HTX…