Phát triển HTX nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị

Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, các HTX nông nghiệp có nhiệm vụ quan trọng là liên kết, đổi mới, phát triển các hoạt động sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao hơn. Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp và chính sách hỗ trợ thiết thực, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình chuỗi liên kết. Ngoài việc tự hoạch định các kế hoạch kinh doanh, đảm nhiệm các công đoạn sản xuất, nhiều HTX đã tích cực liên kết, đẩy mạnh việc hợp tác với các HTX khác, các doanh nghiệp, các đơn vị xúc tiến thương mại,... để cùng sản xuất, cung ứng, bao tiêu sản phẩm, tạo ra và tăng cường chuỗi giá trị cho mỗi sản phẩm, tăng thu nhập cho các thành viên.

Trồng dưa vàng Kim Hoàng hậu liên kết với doanh nghiệp tại HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Thọ Lâm (Thọ Xuân).

Gia đình anh Nguyễn Văn Phương, xã Nga Trường (Nga Sơn) tham gia ký hợp đồng sản xuất khoai tây Atlantic với HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Nga Trường. Sau khi ký hợp đồng, gia đình anh đã thuê 4,5 ha đất của các hộ thành viên để sản xuất khoai tây Atlantic tập trung. Được biết, diện tích trồng khoai tây này trước kia là đất 2 lúa nhưng sản xuất không hiệu quả. Từ khi chuyển đổi sang sản xuất rau màu, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt. Vào thời vụ chăm sóc, thu hoạch, gia đình anh Trường thuê đến 40 lao động mỗi ngày. Mỗi ha khoai tây cho thu hoạch từ 14-16 tấn củ/vụ, mang lại lợi nhuận 140-160 triệu đồng/ha. Ông Bùi Văn Hồng, giám đốc HTX DVNN Nga Trường, cho biết: Năm 2017, HTX ký hợp đồng sản xuất khoai tây với Công ty TNHH Orion Việt Nam. Để sản xuất hiệu quả, đơn vị đã tham mưu cho UBND xã Nga Trường chuyển đổi diện tích đất lúa kém năng suất sang trồng khoai tây. Hiện nay, tổng diện tích sản xuất khoai tây đã đạt 60 ha, cho thu hoạch khoảng 900 tấn khoai tây hàng năm, với doanh thu hơn 5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 200 hộ thành viên.

Thôn Phong Phú, xã Thành Mỹ (Thạch Thành) có diện tích đất lâm nghiệp khoảng hơn 100 ha. Sau khi ký hợp đồng cung ứng mía nguyên liệu với HTX DVNN Thành Yên, các hộ dân đã tham gia sản xuất mía chất lượng cao với diện tích 39 ha. Để thực hiện hiệu quả các khâu liên kết, HTX chịu trách nhiệm cung ứng giống, nguyên liệu, giám sát các khâu kỹ thuật chăm sóc, đồng thời ký hợp đồng với Nhà máy Đường mía Việt Đài để bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hiện nay, HTX đã phát triển được 200 ha mía nguyên liệu tại 2 xã Thành Mỹ, Thành Yên. Do được cung ứng giống bảo đảm, chú trọng khâu chăm sóc nên năng suất mía trung bình đạt từ 70 tấn/ha trở lên.

Không chỉ tham gia sản xuất các loại rau màu truyền thống, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn còn phát triển sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, như: Các loại rau quả trong nhà kính, nấm ăn, nấm linh chi... với giá trị kinh tế cao hơn và lợi nhuận đạt từ 200-300 triệu đồng/ha. Điển hình trong số đó như: HTX DVNN và phát triển nông thôn Thọ Lâm (Thọ Xuân), HTX DVNN Kiên Thọ (Ngọc Lặc), HTX DVNN Thọ Thanh (Thường Xuân), HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng (Như Thanh)...

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 646 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có khoảng 100 HTX đã phát triển được các dịch vụ sản xuất theo chuỗi. Trong quá trình sản xuất các sản phẩm hàng hóa, các HTX này đã chứng minh được vai trò trong việc tiếp thu, ứng dụng yếu tố khoa học kỹ thuật, ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản. Nhiều HTX như: HTX DVNN Phú Lộc (Hậu Lộc), HTX DVNN Định Tân (Yên Định), HTX DVNN và điện năng Hoằng Hợp (Hoằng Hóa)... đã có “thâm niên” trong các hoạt động liên kết, “độ bao phủ” rộng, kết nối được nhiều thành viên.

Trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động liên kết, mỗi HTX có những cách làm khác nhau. Tuy nhiên, có thể khẳng định, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đã mang lại “sức mạnh” lớn hơn cho các HTX, từ quy mô sản xuất tới trình độ kỹ thuật canh tác, khả năng cạnh tranh và sự thích ứng trên thị trường. Do đó, trong thời gian tới, các sở, ngành có liên quan của tỉnh, Liên minh HTX tỉnh cần tiếp tục định hướng liên kết cho các HTX, tạo cơ hội tiếp xúc, giao thương, hỗ trợ các HTX tiếp cận các chính sách ưu đãi về vốn, đầu tư để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bài và ảnh: Minh Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-htx-nong-nghiep-theo-huong-chuoi-gia-tri/113878.htm