Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về 'Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025' đã tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình vào sáng 3/4.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07 chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Dự hội nghị còn có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản - Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Minh Hải; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Thành ủy, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố đã chỉ đạo triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án, kế hoạch về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Các cấp, các ngành cũng đã quan tâm triển khai nhiều nhiệm vụ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.
Ban chỉ đạo Chương trình 07-CTr/TU đã ban hành các kế hoạch hoạt động định hướng hàng năm, thường xuyên tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện định kỳ, nhờ đó kịp thời có các chỉ đạo triển khai sát với thực tiễn.
Thành phố Hà Nội đã khẳng định được vị thế trung tâm hàng đầu cả nước về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, luôn đứng trong nhóm dẫn đầu về nhiều chỉ tiêu, chỉ số như: số lượng công bố quốc tế; số lượng sáng chế đăng ký và được cấp; số lượng doanh nghiệp KH&CN. Hà Nội liên tục là địa phương đứng đầu cả nước trong xếp hạng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2022 (đánh giá thử nghiệm bộ chỉ số), năm 2023 và năm 2024 (đánh giá chính thức). Xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh cũng đã có bước tiến vượt bậc.
Đã có 4/7 chỉ tiêu của Chương trình đã hoàn thành. Các chỉ tiêu: Tốc độ tăng năng suất lao động, Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp, Tỷ trọng kinh tế số tuy có khả năng không hoàn thành nhưng do yếu tố khách quan và cũng đều đạt mức cao so với bình quân của cả nước.
Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua ngày 28/6/2024, trong đó quy định nhiều chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù vượt trội để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các quy định của Luật Thủ đô năm 2024 sẽ là hành lang pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, giúp cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có bước đột phá và phát triển mạnh mẽ.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm tham luận tại hội nghị
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa và dịch vụ; điển hình trong sản xuất nông nghiệp: ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất các loại giống cây, con, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản đã tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Ngân sách cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được bảo đảm, đồng thời thu hút được nhiều nguồn lực khác từ các viện, trường, tổ chức khoa học và công nghệ của Trung ương, các doanh nghiệp cho phát triển KH&CN trên địa bàn Thành phố.
Các hoạt động phát triển thị trường KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được triển khai mạnh mẽ với nhiều hoạt động nổi bật, thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trung ương, Thành phố và các địa phương khác trong cả nước.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha, tỷ lệ lấp đầy diện tích xấp xỉ 100%. Thành phố đã xây dựng và hình thành hai khu CNTT tập trung, với 168 doanh nghiệp tham gia, bao gồm: Khu CNTT tập trung Cầu Giấy (đã đi vào hoạt động, có 171 doanh nghiệp tham gia) và Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội (đang xây dựng). Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện đã thu hút được 111 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 115.830 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư tại đây đã làm chủ được công nghệ lõi, trong đó, có các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao khác nhau như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT (FPT Software, Đại học FPT), Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản), Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc…
Hoàn thành Đề án "Phát triển 2-5 khu công nghiệp mới; hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghệ cao sinh học Hà Nội" tại Chương trình hành động số 277/CTr-UBND ngày 05/12/2021. Đến nay đã có 3 Khu công nghiệp mới và 1 Khu công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ Quyết định chủ trương đầu tư, thành lập theo đúng kế hoạch đề ra.
Hoạt động chuyển đổi số được triển khai đồng bộ trên cả ba trụ cột chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; đã tạo dựng được hạ tầng số, phát triển nền tảng số, đào tạo nhân lực số để làm cơ sở vững chắc cho chuyển đổi số của Thành phố.
- Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) của Hà Nội tăng 37 bậc từ năm 2020 đến 2023.
- Hà Nội xếp thứ nhất về chỉ số công nghiệp CNTT theo Báo cáo Vietnam ICT Index 2022.
- Hà Nội xếp thứ hai về chỉ số thương mại điện tử trong 7 năm liên tiếp.
- Hà Nội xếp thứ nhất về chỉ số quản trị điện tử theo Báo cáo PAPI 2023.
Thành phố tiếp tục duy trì hạ tầng dùng chung, bao gồm: Mạng diện rộng Thành phố (WAN), Trung tâm dữ liệu nhà nước Hà Nội phục vụ cài đặt, duy trì các hệ thống thông tin chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố; Hệ thống họp trực tuyến của Thành phố thông suốt từ cấpThành phố đến cấp xã, phường, kết nối liên thông với Hệ thống Họp trực tuyến của Văn phòng Chính phủ.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã được xây dựng và đưa vào vận hành tại 100% các cơ quan nhà nước Thành phố, được kết nối với 20 HTTT/CSDL của các bộ, ngành, quốc gia, cơ bản đáp ứng đầy đủ các chức năng, tính năng theo quy định, đặc biệt là các yêu cầu mới về xác thực điện tử cho công dân và doanh nghiệp.
Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị CNTT tại các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội tiếp tục được duy trì, nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện.

Ông Cù Ngọc Trang - Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội tham luận tại hội nghị
Triển khai ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) giúp người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với các cấp chính quyền Thành phố trên môi trường số nhanh chóng, kịp thời theo thời gian thực; tạo đột phát về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Thành phố còn triển khai nhiều tiện ích số khác cho người dân như: cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID, Ứng dụng Thẻ vé giao thông Hà Nội,... Triển khai một số mô hình chuyển đổi số nổi bật như “Thanh toán không dùng tiền mặt”, “Chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt”, “Chuyển đổi số trong trường học”, triển khai hạ tầng mạng không dây, Internet miễn phí phục vụ người dân được các quận, huyện,... bước đầu thu được nhiều hiệu ứng tích cực, hướng tới mở rộng toàn địa bàn Thành phố.


Các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc được Ban chỉ đạo Chương trình khen thưởng
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-319441.htm