Phát triển khoa học lý luận chính trị theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng

Sáng 7.9, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học 'Phát triển khoa học lý luận chính trị theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng'.

Chủ trì Hội thảo gồm: GS, TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS, TS Mai Đức Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến các địa phương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các Học viện khu vực, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các trường đại học trong cả nước…

GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo

GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Lý luận chính trị là một lĩnh vực khoa học đặc biệt, có vai trò và vị trí quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Xét về mặt thuộc tính, khoa học lý luận chính trị là khoa học mà tri thức về các nội dung liên quan đến chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về đường lối, quan điểm của Đảng và hệ thống chính trị, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước qua từng thời kỳ… Phát triển khoa học lý luận chính trị có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu, bổ sung, phát triển, truyền bá và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

GS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền báo cáo Đề dẫn Hội thảo

GS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền báo cáo Đề dẫn Hội thảo

Đề dẫn Hội thảo, PGS. TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, mặc dù công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam đã có những bước tiến, đạt được những kết quả quan trọng, nhưng nhìn chung, công tác nghiên cứu lý luận chính trị “còn nhiều hạn chế, khuyết điểm”; “còn lạc hậu, tính dự báo thấp, kết quả nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn”. Kết quả thực hiện nhiệm vụ cung cấp luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, quan điểm của Đảng còn hạn chế, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra chưa được làm rõ… Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ.

“Trước bối cảnh mới của thế giới, khu vực và trong nước với những yêu cầu mới, đòi hỏi lý luận phải bám sát, cập nhật, khái quát hóa, phong phú hóa để có sức định hướng, dẫn dắt hoạt động thực tiễn. Nghiên cứu phát triển khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam phải có sứ mệnh nhận diện, phân tích kịp thời, chính xác, toàn diện thực tiễn phát triển của thế giới và đất nước; nắm bắt được nhu cầu khách quan và dự báo xu hướng vận động của thực tiễn; khái quát khoa học sự vận động có tính quy luật; trên cơ sở đó, đề xuất những định hướng phù hợp, có tính khả thi để giải quyết hiệu quả các nhu cầu của thực tiễn. Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị phải có nhiệm vụ mở đường cho những nhận thức, tư duy lý luận mới, cách làm mới. Trên cơ sở đó, xác lập một hệ thống tri thức mới vững chắc, khoa học, xứng tầm bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng, tư duy lý luận của Đảng trong điều kiện mới” - PGS,TS. Phạm Minh Sơn nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu phân tích, trao đổi làm rõ khái niệm, nội dung của khoa học lý luận theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh đây là lần đầu tiên cụm từ “khoa học lý luận chính trị” được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng, chính thức xác lập vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là một trong bốn ngành khoa học cần thúc đẩy phát triển bên cạnh khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn.

Hội thảo đặt ra vấn đề đổi mới có tính đột phá trong nghiên cứu, phát triển khoa học lý luận chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, cũng như nhu cầu đổi mới và phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.

Hội thảo thống nhất khẳng định việc nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, đánh giá sự phát triển khoa học lý luận chính trị ở nước ta theo quan điểm Đại hội XIII là cần thiết, nhằm giúp khoa học lý luận chính trị phát triển đúng hướng và phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội đã đề ra.

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về: những nội dung mới trong khoa học lý luận chính trị của Đảng, tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn mới về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; khoa học lý luận chính trị theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng gắn với từng bộ phận trong hệ thống khoa học lý luận chính trị và thực tiễn hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước và hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội; khoa học xã hội và nhân văn với khoa học lý luận chính trị trong xây dựng quân đội...

Nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp nhằm phát triển khoa học lý luận chính trị của Đảng như: gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học lý luận chính trị với công tác truyền bá lý luận của Đảng; phát triển khoa học lý luận gắn với tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; nâng cao năng lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị; nghiên cứu lý luận chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát triển tư duy lý luận của Đảng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên...

Theo ajc.hcma.vn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/phat-trien-khoa-hoc-ly-luan-chinh-tri-theo-quan-diem-dai-hoi-xiii-cua-dang-i342351/