Phát triển kinh doanh, dịch vụ thời dịch

Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát với tốc độ lây lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh ta. Tuy nhiên, với mục tiêu vừa chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, các loại hình dịch vụ vẫn được duy trì trên địa bàn tỉnh, bảo đảm cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm cho nhân dân, không gây 'sốt' hàng hóa trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Khách mua hàng tại Siêu thị Tuyên Quang chấp hành nghiêm quy định phòng dịch.

Khách mua hàng tại Siêu thị Tuyên Quang chấp hành nghiêm quy định phòng dịch.

Tại cuộc họp mới đây giữa Chính phủ với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quyết liệt, thần tốc chống dịch nhưng phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế để có điều kiện chống dịch tốt hơn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản về đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch và phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Ngành Công thương tỉnh đã xây dựng phương án phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với các cấp độ chưa có dịch, dịch bùng phát và sau khi khống chế, kiểm soát được dịch bệnh. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt là không để xảy ra khan hiếm, đầu cơ, tích trữ hàng hóa làm thị trường sốt ảo gây hoang mang cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh vừa chống dịch, vừa phát triển kinh doanh dịch vụ một cách an toàn.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác phòng dịch như tổ chức lực lượng đo thân nhiệt, bố trí nước sát khuẩn và phát khẩu trang miễn phí cho khách hàng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 siêu thị lớn là Siêu thị Tuyên Quang, VinCom Tuyên Quang và nhiều siêu thị nhỏ, cửa hàng quy mô lớn kinh doanh dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân. Khác với các đợt dịch trước, người dân có tâm lý lo lắng nên đổ xô đi mua hàng tích trữ nhưng đợt dịch này, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên không còn tình trạng đó nữa.

Ông Nguyễn Thế Tuyên, Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang nhấn mạnh, hiện siêu thị Tuyên Quang có 30 nghìn mặt hàng thiết yếu phục vụ khách hàng trong mùa dịch. Hàng hóa phong phú, đa dạng, người dân hoàn toàn yên tâm. Công ty đã xây dựng phương án kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sẵn sàng cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông sản với các hộ dân trên địa bàn phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang), Na Hang và Sơn Dương, bảo đảm không để dịch bệnh ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Siêu thị Tuyên Quang phân công nhân viên đo thân nhiệt, hướng dẫn khách hàng sử dụng nước sát khuẩn và đeo khẩu trang trước khi vào mua hàng theo đúng quy định. Chị Trần Hảo Nhung, nhân viên bán hàng tại siêu thị cho biết, lượng hàng hóa bán ra trong đợt dịch này vẫn duy trì như bình thường, người tiêu dùng không mua tích trữ quá nhiều hàng hóa như những đợt dịch trước. Đây là tín hiệu vui vì không gây xáo trộn cho thị trường, bởi hàng hóa vẫn được điều tiết hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Các địa phương trong tỉnh cũng đã triển khai phương án bảo đảm sản xuất kinh doanh dịch vụ và đẩy mạnh phòng dịch. Theo đó, khuyến khích các giao dịch Online, giao hàng tại nhà để tránh tình trạng tập trung đông người không cần thiết, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ đã khai thác tối đa tiện ích của mạng xã hội bán hàng trực tuyến, vừa bảo đảm được việc làm cho người lao động, vừa ngăn ngừa được dịch bệnh. Chị Lã Hương Dịu, kinh doanh hàng tạp hóa Nam Nhu trên đường 17-8 (TP Tuyên Quang) cho biết, dịch bệnh Covid-19 phát sinh gây khó khăn cho tất cả các ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, để ổn định công việc kinh doanh, ngoài bán hàng tại nhà bảo đảm an toàn như đeo khẩu trang, vệ sinh sạch sẽ khu vực bán hàng, đề nghị khách hàng đeo khẩu trang khi mua hàng, chị còn thực hiện giao hàng đến tận nơi cho khách thông qua điện thoại, mạng xã hội. Nhờ đó, gia đình chị vẫn ổn định việc làm thường xuyên cho 4 lao động, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, Hiệp hội đã ban hành văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp thành viên thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với xã hội và Nhà nước. Theo đó, tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau; đẩy mạnh các giao dịch trực tuyến, bảo đảm không để hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ bị đứt quãng. Nhờ đó, hoạt động của các doanh nghiệp thành viên cơ bản ổn định, tạo tiền đề để khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ lấy lại đà tăng trưởng, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Bài, ảnh: Thùy Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/phat-trien-kinh-doanh-dich-vu-thoi-dich-145363.html