Phát triển kinh tế bền vững gắn với chống biến đổi khí hậu

Nếu như một thế kỷ nữa, nhiệt độ nước biển tại Việt Nam tăng 3oC thì mực nước biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ tăng thêm từ 55 – 75 cm, làm cho 40% tổng diện tích đồng bằng bị ngập nước. Nước biển dâng, xâm nhập mặn sẽ khiến cho 45% diện tích vùng này bị nhiễm mặn vào năm 2030.

Việt Nam cũng có Chương trình và Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH

Việt Nam cũng có Chương trình và Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH

Nhận thức đúng, nhận diện còn bất cập

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam ý thức được tầm quan trọng của việc giảm thiểu những yếu tố ảnh hưởng đến BĐKH cũng như tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH. Việt Nam cũng có Chương trình và Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH đồng thời thu được những kết quả nhất định trong phòng chống, giảm thiểu tác hại của BĐKH. Dự án tư vấn chính sách cho phát trển kinh tế gắn với chống chịu BĐKH (CRED) giai đoạn 2019-2022 với sự hỗ trợ của Chính phủ CHLB Đức vừa được khởi động cũng nhằm mục tiêu này.

Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), trước những thách thức và diễn biến phức tạp của BĐKH, Chính phủ Việt Nam đang ngày càng quan tâm, tập trung theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh kết hợp phòng chống BĐKH, triển khai từ tầm quốc gia đến từng địa phương, lĩnh vực cụ thể.

Thông qua các chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia; kế hoạch hành động quốc gia; kế hoạch hành động của các bộ, ngành về ứng phó với BĐKH cũng như hướng đến tăng trưởng xanh và hàng loạt các quy định được ban hành (như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản…). Đến nay chúng ta đã thu được những kết quả nhất định.

Đáng chú ý, hiện dự thảo Chương trình Kế hoạch Quốc gia thích ứng với BĐKH (NAP) giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050 đã được xây dựng và lấy ý kiến đóng góp. Mục tiêu của kế hoạch này nhằm giảm thiểu tính dễ tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái, đồng thời thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch có liên quan.

Mặc dù những nỗ lực là đáng ghi nhận và nhận thức về vấn đề phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, gắn với bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao song làm sao nhận diện được đầy đủ những thách thức, tác động của phát triển kinh tế tới môi trường, từ đó có các chính sách và giải pháp lồng ghép hiệu quả cân bằng được mục tiêu vừa phát triển nhanh, vừa đảm bảo bền vững về môi trường vẫn là vấn đề đau đầu với các nước nói chung, Việt Nam nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

Thực tế ở Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều mô hình (gắn với vai trò, chức năng của mỗi bộ, ngành hoặc có những mô hình độc lập) có liên quan hoặc có thể sử dụng làm nguồn đầu vào để đánh giá tác động của phát triển kinh tế đến môi trường và ngược lại. Tuy nhiên theo TS. Phạm Thị Lan Hương - chuyên gia tư vấn Dự CRED, đến nay chưa có một mô hình sẵn có mang tính tích hợp và bao quát nhất để đánh giá tác động của BĐKH và chính sách chống chịu BĐKH đến phát triển kinh tế - xã hội.

“Còn thiếu sự gắn kết trong việc áp dụng mô hình kinh tế giữa các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các bộ và các nhà hoạch định chính sách, dẫn đến việc không tận dụng triệt để được các dữ liệu thông tin, năng lực và chất lượng. Các nghiên cứu dựa trên mô hình rất ít và các nhà hoạch định chính sách đôi khi không quan tâm đến việc sử dụng các nghiên cứu này”, chuyên gia này chỉ ra.

Cần một mô hình tích hợp

Đây cũng là một trong những thách thức và khó khăn được TS. Trần Thị Thanh Nga - đại diện Cục BĐKH, Bộ TN&MT chỉ ra tại hội thảo khởi động Dự án CRED do CIEM phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức vừa qua. “NAP là nội dung lớn, phức tạp, liên quan đến trách nhiệm và hoạt động của hầu hết các bộ, ngành địa phương và nhiều đối tượng khác nhau. Trong khi đó, thiếu hụt cơ sở dữ liệu chung, thông tin không đồng nhất và nằm rải rác ở các cơ quan, đơn vị khác nhau, hay chưa có cơ chế theo dõi, đánh giá và giám sát báo cáo cho các hoạt động thích ứng… đang là những khó khăn, thách thức hiện nay”, bà Nga cho biết.

Theo TS. Đặng Thị Thu Hoài (CIEM), việc có được một hệ thống mô hình tích hợp đầy đủ, đồng thời xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị nghiên cứu của các bộ, ngành và hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu để từ đó định hướng được tác động của BĐKH là những công việc rất cần thiết thực hiện thời gian tới đây, từ đó giúp lồng ghép được BĐKH vào các chính sách kinh tế.

Và đây cũng là mục tiêu mà Dự án CRED hướng tới. Trong đó, một trong những ưu tiên quan trọng đặt ra là hỗ trợ Việt Nam xây dựng được một mô hình tích hợp để đánh giá tác động của các biện pháp thích ứng với BĐKH. Cùng với đó, giúp nâng cao năng lực trong việc áp dụng mô hình vào phân tích và hoạch định chính sách. Đồng thời xuyên suốt quá trình này, dựa trên các thực chứng và kết quả mà mô hình mang lại, sẽ có những tư vấn chính sách đối với các ngành cụ thể, gắn với chiến lược phát triển chung của Việt Nam.

Tuy nhiên, để dự án thành công, mang lại những đóng góp hữu ích thiết thực và lâu dài cho Việt Nam, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng ngoài cần đội ngũ lực lượng chuyên gia, chuyên môn trực tiếp giỏi còn cần sự cam kết hợp tác của các bộ ngành và địa phương liên quan để thực hiện dự án.

“Và đứng đằng sau cam kết ấy phải là lãnh đạo cấp cao, như một Phó Thủ tướng chẳng hạn. Đấy là điều rất quan trọng để tránh tình trạng “dự án chỉ làm cho vui”, đồng thời để dự án trong quá trình triển khai được thuận lợi, trôi chảy”, TS. Thành nói.

Dự án CRED hướng tới xây dựng mô hình kinh tế vĩ mô đánh giá tác động của BĐKH được thí điểm tại Georgia, Kazakhstan và Việt Nam, kéo dài từ 2019 đến 2022. Tại Việt Nam, giai đoạn 2019-2020 dự án tập trung vào nâng cao năng lực (rà soát, đánh giá các mô hình và cơ sở dữ liệu kinh tế vĩ mô hiện có, từ đó xác định mô hình tích hợp sẽ sử dụng và cơ sở dữ liệu phù hợp). Giai đoạn 2020-2022 tập trung vào tư vấn chính sách (diễn giải kết quả, và tư vấn, lồng ghép chính sách cụ thể cho các ngành; phân tích kết quả mô hình và bài học kinh nghiệm; hình thành mạng lưới nghiên cứu…).

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/phat-trien-kinh-te-ben-vung-gan-voi-chong-bien-doi-khi-hau-95227.html