Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới
Trong bối cảnh thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của biển và đại dương, nhiều quốc gia, cường quốc trên thế giới đều hướng ra biển và tập trung vào chiến lược biển để củng cố và tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia thì việc tìm giải pháp hữu hiệu để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về biển là vô cùng quan trọng. Thời gian qua, các tỉnh, thành phố ở ven biển miền Trung đã tập trung phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trở thành các địa phương mạnh về biển của cả nước.
Khu vực miền Trung có 14/28 tỉnh, thành phố giáp biển, với bờ biển dài gần 1.800km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước. Đây là khu vực có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về biển, phát triển kinh tế biển mà không một vùng nào có được. Với nhiều bãi biển, vùng biển, đảo rất đẹp, nhiều tài nguyên vào loại bậc nhất cả nước, những năm qua, các tỉnh, thành phố ở ven biển miền Trung đã có nhiều chủ trương, chính sách và dành nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển kinh tế biển. Nhờ đó, ngành kinh tế này ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng, đóng góp lớn hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.
Diện mạo của khu vực miền Trung đã có nhiều thay đổi tích cực và trở thành khu vực phát triển khá năng động, một đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế. Một số địa phương trong vùng đã khai thác, tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển để vươn lên mạnh mẽ, từng bước trở thành các cực tăng trưởng, hướng tới là trung tâm của vùng và các tiểu vùng.
Do vậy, phát triển kinh tế biển ở khu vực miền Trung có thể nói là giữ vai trò quan trọng quyết định đối với việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong bối cảnh thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của biển và đại dương, nhiều quốc gia và cường quốc trên thế giới đều hướng ra biển và tập trung vào chiến lược biển để củng cố và tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia. Việc thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện thành công mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tuy nhiên, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác, phát huy hiệu quả để trở thành một nguồn nội lực quan trọng cho phát triển. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp, tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế…
Mới đây, Tỉnh ủy Quảng Bình phối hợp Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới” nhằm tìm giải pháp hữu hiệu để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về biển, đưa các tỉnh, thành phố miền Trung phát triển năng động, bền vững, trở thành các địa phương mạnh về biển.
Hội thảo lần này đã nhận được nhiều tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, tập trung làm rõ các vấn đề: Yêu cầu, nhiệm vụ, bối cảnh mới đặt ra trong việc thực hiện chiến lược biển nói chung, phát triển kinh tế biển nói riêng đối với đất nước và các tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung trong tình hình hiện nay; tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế biển ở các tỉnh, thành phố miền Trung hiện nay; những kết quả, thành tựu đạt được và hạn chế, yếu kém về phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong thời gian qua; khó khăn, thách thức đặt ra trong thời gian tới; một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế biển miền Trung nhanh, bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng chia sẻ: Quảng Bình là tỉnh có thế mạnh về biển, với bờ biển dài trên 116km, có 5 cửa sông, trong đó có 2 cửa sông lớn; có cảng Nhật Lệ, cảng Gianh, cảng Hòn La; vịnh Hòn La có diện tích mặt nước 4km2, độ sâu trên 15 mét và xung quanh có các đảo che chắn. Hòn La, Hòn Cọ, Hòn Chùa có thể cho phép tàu 3-5 vạn tấn vào cảng mà không cần nạo vét. Bờ biển Quảng Bình có nhiều thắng cảnh đẹp, cùng với thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền tạo cho địa phương có một ngư trường rộng lớn và phong phú về loài (1.650 loài).
Từ những lợi thế đó, để phát triển kinh tế biển một cách hiệu quả, trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, đồng thời tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cho lĩnh vực kinh tế quan trọng này. Với mục tiêu sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Bình xác định phát triển bền vững kinh tế biển, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay, kinh tế biển ở tỉnh Quảng Bình vẫn mang nặng tính chất khai thác nhỏ, thiếu chiến lược phát triển đồng bộ, chưa phát huy và đánh thức hết tiềm năng, thế mạnh của biển nhằm phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Kinh tế biển vẫn còn nhỏ bé về quy mô, còn bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề. Điều đáng chú ý là việc phát triển kinh tế biển chưa gắn với liên kết kinh tế vùng, do vậy, chưa tạo ra mối liên kết kinh tế, phát huy được lợi thế so sánh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.
“Thông qua hội thảo lần này, tỉnh Quảng Bình cũng như các tỉnh ven biển miền Trung rất mong muốn tìm ra giải pháp hữu hiệu, hướng đi phù hợp phát triển kinh tế biển trong giai đoạn tới”. - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.