Phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng khu vực phòng thủ ở Quảng Bình
Tỉnh Quảng Bình thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, địa hình đa dạng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, với nhiều di tích có giá trị, các lễ hội độc đáo và hàng trăm nghề thủ công truyền thống.
Vì vậy, Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế du lịch.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển du lịch, với mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhờ vậy, trong bối cảnh kinh tế - xã hội (KT-XH) có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành Du lịch Quảng Bình vẫn giữ vững được đà tăng trưởng. Tỷ trọng đóng góp của ngành đạt 10 - 12% tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh.
Bên cạnh thế mạnh và nguồn lợi từ du lịch mang lại, sự phát triển của kinh tế du lịch cũng tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến các vấn đề về an ninh, an toàn xã hội ở địa phương, nhất là nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ.
Từ thực tiễn đó, trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Bình về phát triển KT-XH gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, những năm qua, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã phối hợp làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả việc phát triển KT-XH gắn với củng cố quốc phòng, an ninh nói chung; phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng khu vực phòng thủ nói riêng.
Kinh tế du lịch phát triển đã góp phần thúc đẩy tiềm lực kinh tế phát triển, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang địa phương ngày càng vững mạnh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ vững chắc.
Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn lại, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nảy sinh những yếu tố bất cập trong phát triển kinh tế du lịch gắn với nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ, việc quản lý nhà nước trên lĩnh vực kinh doanh du lịch có thời điểm chưa chặt chẽ...
Chính vì vậy, để nâng cao tiềm năng phát triển kinh tế du lịch, bảo đảm tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, trước hết, cần hoàn thiện cơ chế chính sách và hành lang pháp lý, nhằm gia tăng tác động tích cực của phát triển kinh tế du lịch đến xây dựng khu vực phòng thủ.
Ở góc độ vĩ mô, cần xây dựng chiến lược hợp tác phát triển du lịch, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ.
Đây là giải pháp mang tính chiến lược đúng đắn, vừa có tính cấp thiết, vừa bảo đảm tính lâu dài, là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng và quyết định. Kinh tế du lịch là hoạt động đa dạng, phong phú, nhiều ngành đan xen, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ hết sức chặt chẽ.
Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX đã chỉ ra: “Mỗi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ, đối nội, đối ngoại... đều phải nắm vững và thực hiện đúng yêu cầu bảo đảm an ninh trong từng lĩnh vực, từng địa phương thuộc phạm vi mình phụ trách, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu an ninh chung, theo quan điểm kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược, gắn phát triển KT-XH với xây dựng khu vực phòng thủ...”.
Cùng với đó, cần quy hoạch, phát triển các khu, điểm du lịch và sản phẩm du lịch gắn với xây dựng khu vực phòng thủ.
Tiếp tục triển khai các nội dung về phát triển du lịch trong bản Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch liên quan.
Hoàn thiện các quy hoạch xây dựng và các quy hoạch phát triển du lịch khác, rà soát các quy hoạch có liên quan để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng khu vực phòng thủ.
Đây là giải pháp có mối quan hệ biện chứng, hỗ trợ lẫn nhau. Để xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật vừa phục vụ phát triển kinh tế du lịch, vừa phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ, cần phải tập trung thực hiện tốt việc quy hoạch lại hệ thống giao thông của tỉnh, phối hợp đồng bộ với sự phát triển giao thông của hệ thống giao thông quốc gia; xây dựng dự án đầu tư nâng cấp các phương tiện đưa đón, phục vụ du khách, các tour du lịch; có kế hoạch sử dụng các loại phương tiện đó, vừa phục vụ tốt cho các loại hình dịch vụ phát triển kinh tế du lịch, đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ huy động lực lượng, phương tiện khi có tình huống.
Cùng với đó, cần cải tạo, nâng cao chất lượng mạng lưới điện, điện công cộng, điện đường, đến các điểm, khu du lịch, để phục vụ tối đa nhu cầu của khách du lịch, bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc thông suốt.
Quan tâm việc đào tạo và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực du lịch, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ.
Kinh tế du lịch là ngành tổng hợp, nhiều bộ phận cấu thành, đòi hỏi nguồn nhân lực phong phú, có chất lượng. Cùng với việc đào tạo kiến thức chuyên sâu về du lịch, cần chú trọng bồi dưỡng kiến thức quân sự, quốc phòng an ninh, nhằm tạo ra nguồn nhân lực vừa am hiểu du lịch, vừa am hiểu về quân sự, để có thể sẵn sàng chuyển sang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng khi có yêu cầu. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp trong các doanh nghiệp của ngành, của từng địa phương (huyện, thị xã, thành phố) và đổi mới công tác quản lý lực lượng dự bị động viên trong ngành kinh tế du lịch.
Tăng cường mối quan hệ và hợp tác chặt chẽ giữa tổ chức, cá nhân doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch với lực lượng Quân đội, Công an, chính quyền địa phương các cấp và người dân. Tăng cường hợp tác chặt chẽ với Quân đội, Công an, nhất là đội ngũ cán bộ dân quân tự vệ cơ sở, lực lượng công an tại địa phương mà các doanh nghiệp kinh doanh đang hoạt động, sẽ tạo ra nhiều yếu tố thuận lợi, trước hết tạo ra thế răn đe, phòng ngừa từ xa các lực lượng, các phần tử có ý đồ gây rối hoặc phá hoại quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách.
Phối hợp chặt chẽ giữa Quân đội, Công an và toàn dân là điều kiện tốt nhất để nắm vững địa bàn, đối tượng trong mọi lúc, mọi nơi, khi có tình huống xấu sẽ khoanh vùng, gạn lọc đối tượng và tiến hành xử lý có hiệu quả.
Một trong những giải pháp hết sức quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn dân trong phát triển kinh tế du lịch, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh trong tình hình mới.
Tăng cường công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng, nâng cao dân trí, ý thức xây dựng khu vực phòng thủ cho mọi tầng lớp nhân dân, là giải pháp cần thiết không thể thiếu trong suốt quá trình thực hiện mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng khu vực phòng thủ.
Cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục, để mọi tầng lớp nhân dân có kiến thức cơ bản về đường lối quân sự, quốc phòng, các văn bản pháp luật, pháp lệnh của Nhà nước về xây dựng khu vực phòng thủ, các chủ trương, chính sách của tỉnh; trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tầng lớp nhân dân trong thế bố trí chiến lược xây dựng khu vực phòng thủ; tầm quan trọng của công tác xây dựng khu vực phòng thủ trong quá trình phát triển kinh tế nói chung và kinh tế du lịch nói riêng trên địa bàn tỉnh và cả nước.
Tin tưởng rằng, với việc thực hiện đồng bộ những giải pháp hữu hiệu trên đây, sẽ góp phần đưa ngành du lịch phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch tỉnh nhà, vừa bảo đảm không làm ảnh hưởng đến thế bố trí chiến lược quốc phòng của tỉnh, của Quân khu 4 và cả nước, góp phần quan trọng củng cố xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thị xã, thành phố vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.