Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng hiệu quả tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành
Hiện nay, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Thạch Thành được giao quản lý, sử dụng và phát triển rừng trên diện tích 7.042 ha, trong đó có 5.079,13 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất, thuộc địa bàn các huyện Thạch Thành, Bá Thước, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Hà Trung, Vĩnh Lộc.
Trang trại trồng rừng kết hợp cây ăn quả và chăn nuôi của bà Nguyễn Thị Dung (Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Thành Vân, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành), cho hiệu quả cao.
Ngoài địa bàn quản lý rộng, nhiều khu rừng giáp ranh với các địa phương khác, thời tiết khô hanh, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao,...
Để bảo vệ, phát triển rừng có hiệu quả, ban đã giao hơn 3.000 ha ổn định, lâu dài cho 548 hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng (BVR) và tổ chức sản xuất trên đất lâm nghiệp. Nhằm tạo điều kiện cho các hộ nhận khoán phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập để họ yên tâm bảo vệ, phát triển rừng, BQL rừng phòng hộ Thạch Thành đã cung ứng cây giống trồng rừng sản xuất có giá trị kinh tế cao; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng; tuyên truyền, vận động hộ nhận khoán phát triển các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng; phát triển rừng gỗ lớn; trồng cây ăn quả; đấu mối với các đơn vị thu mua sản phẩm cho các trang trại... Các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp đã tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, xây dựng được 54 trang trại nông - lâm kết hợp. Thực tế, đối với trang trại cây ăn quả cho nguồn thu khoảng 200 triệu đồng/ha/năm (đã trừ các chi phí). Nổi bật như mô hình trang trại trồng rừng kết hợp cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình ông Phạm Hữu Tú (trạm quản lý, BVR Đồng Luật), bà Nguyễn Thị Dung, ông Lê Sơn Hải, ông Nguyễn Văn Ngọc, ông Hà Đông Giang (trạm quản lý, BVR Thành Vân), ông Nguyễn Văn Dương (xã Thành Long), ông Bùi Văn Mạnh (xã Ngọc Trạo)...
Chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QL, BV&PTR) bền vững, BQL rừng phòng hộ Thạch Thành đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm xã hội hóa công tác BV&PTR tận gốc. Ban đã thành lập 8 trạm quản lý BVR chuyên trách đóng trên địa bàn các xã. Cán bộ, công nhân của các trạm đã chủ động khắc phục khó khăn, tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về BV&PTR, phòng cháy, chữa cháy rừng có liên quan trực tiếp đến người dân; tổ chức, hướng dẫn kỹ thuật, dịch vụ cung ứng cây giống cho các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp trên địa bàn xã chăm sóc, bảo vệ và trồng mới rừng. Từ đó, các thôn có rừng đã phối hợp với chủ rừng tiến hành ký cam kết không vi phạm những điều cấm về rừng. Để BVR tận gốc, các trạm quản lý BVR đã chủ động phối hợp với chính quyền và các đoàn thể của xã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ công tác tuyên truyền đến tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Từ năm 2013 đến tháng 10-2019, BQL rừng phòng hộ Thạch Thành đã hướng dẫn kỹ thuật; cung ứng cây giống; tổ chức cho các hộ nhận khoán trồng mới được 421 ha rừng. Kết quả, 100% diện tích rừng hiện có được bảo vệ và phát triển xanh tốt. Từ năm 2013 đến nay, toàn bộ diện tích rừng do BQL không xảy ra cháy. An ninh rừng trên địa bàn cơ bản được giữ vững. BQL rừng phòng hộ Thạch Thành đã làm tốt vai trò nòng cốt cho phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn, góp phần thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ kỹ thuật trồng, chăm sóc, BVR cho người dân, xã hội hóa nghề rừng trong vùng. Thông qua triển khai các chương trình, dự án và công tác lâm nghiệp, ban đã góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế tại một số xã, bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, hình thành các mô hình phát triển kinh tế rừng, trang trại tổng hợp bền vững... Tài nguyên rừng được quản lý, bảo vệ bền vững không những phát huy tốt tính năng phòng hộ cho các lưu vực sông, hồ trong vùng, bảo vệ tính đa dạng sinh học, tạo cảnh quan môi trường đẹp mà còn có tác dụng cung cấp nước, giữ nước bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn phục vụ sản xuất, dân sinh và mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân nhận giao khoán đất, rừng.