Phát triển kinh tế gắn với dữ liệu số
Bình Dương sớm chú trọng xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành để bảo đảm thành công trong việc xây dựng Chính phủ số, đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số.
Ngành công thương hỗ trợ DN triển khai các giải pháp chuyển đổi số, phát triển CSDL tại DN. Trong ảnh: Lãnh đạo các DN tham quan Trung tâm Dữ liệu số của tỉnh
Tài nguyên mới
Hiện nay, dữ liệu được xem là một loại tài nguyên, tài sản, “đất đai của không gian mới”. Bộ Công thương xác định 40 danh mục Cơ sở dữ liệu (CSDL) của ngành như CSDL cơ khí chế tạo, CSDL ô tô, CSDL dệt may, CSDL da giày, CSDL điện tử… Tại Bình Dương, nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm phát triển CSDL để làm nền tảng cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai, cho biết: “DN chúng tôi mong muốn có CSDL cơ khí chế tạo cung cấp thông tin về các DN công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, bao gồm thông tin cơ bản thể hiện quy mô, năng lực, sản phẩm, công nghệ, tiêu chuẩn, khách hàng, thị trường. Qua đó để đáp ứng nhu cầu nắm bắt, tìm hiểu thông tin về lĩnh vực cơ khí chế tạo của cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, DN sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực cơ khí chế tạo và các DN khác sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh…”.
Theo ông Trần Huỳnh Phi Long, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương, nếu có đầy đủ CSDL ngành sản xuất, kinh doanh thì cộng đồng DN có thuận lợi hơn trong việc kết nối với các đối tác trong và ngoài nước, cũng như cập nhật được các yếu tố về thị hiếu, xu hướng của thị trường để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), thông tin Cục Phòng vệ thương mại đang tiến tới xây dựng CSDL của các ngành sản xuất trong nước nhằm nâng cao năng lực điều tra phòng vệ thương mại và theo dõi hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Đẩy mạnh kết nối
Đề án Xây dựng CSDL ngành công thương tỉnh Bình Dương được triển khai từ năm 2020. Đến nay, đề án đã chính thức đưa vào vận hành hoạt động. Đây là nền tảng quan trọng để công tác điều hành, quản lý nhà nước của ngành công thương được nhanh chóng, chính xác, bảo đảm chất lượng; đồng thời làm căn cứ cho các báo cáo phân tích, ra quyết định và xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết sở đã triển khai thực hiện giai đoạn 1 của công tác chuyển đổi số và đã đạt được hiệu quả ban đầu, như: Số hóa, quản lý lưu trữ dữ liệu của hơn 50 lớp dữ liệu hiện trạng của các phòng chuyên môn; số hóa 46 bảng dữ liệu thông tin biến động của DN. Dữ liệu ngành công thương cũng được tích hợp lên Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, với hơn 40 chỉ tiêu về sản xuất, thương mại, năng lượng... Bên cạnh đó, việc triển khai chuyển đổi số quy trình xử lý nghiệp vụ của 125 thủ tục hành chính thuộc 15 lĩnh vực ngành công thương đã giúp việc lưu trữ, truy cập và quản lý hồ sơ thủ tục hành chính một cách hiệu quả, minh bạch, giảm thiểu giấy tờ, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN. Hiện Sở Công thương đang tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thực hiện khảo sát, đánh giá các nội dung cần thực hiện trong giai đoạn 2, thực hiện chuyển đổi số toàn diện.
Sở Công thương đã xây dựng văn phòng số, chuyển đổi số công tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm CSDL ngành công thương với 5.659 thông tin cập nhật về lớp dữ liệu và thực hiện liên kết dữ liệu với hệ thống một cửa điện tử của tỉnh trong quá trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, chia sẻ dữ liệu quản lý của ngành trên Trung tâm IOC tỉnh. Qua đó giúp người dân, DN có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin liên quan đến ngành; tích hợp hệ thống thông tin của Sở Công thương với CSDL mở của Bộ Công thương; liên kết với CSDL các ngành có liên quan như xây dựng, tài nguyên và môi trường, kế hoạch - đầu tư… để tạo thành một hệ thống thông tin thống nhất, chia sẻ và khai thác dữ liệu hiệu quả. Sở cũng tập trung hoàn thiện hệ thống báo cáo, thống kê; tích hợp các công nghệ hiện đại như Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data) để hỗ trợ quá trình phân tích dữ liệu, hỗ trợ lãnh đạo đưa ra quyết định chính xác và dự báo xu hướng.
Đối với lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), đánh giá trong vài năm gần đây thị trường TMĐT ở Bình Dương ngày càng mở rộng. Sự đa dạng về mô hình, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số tại địa phương.
“Thời gian tới, ngành công thương Bình Dương cần tiếp tục phối hợp Cục TMĐT và Kinh tế số quản lý CSDL tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh thực hiện nghĩa vụ đăng ký/thông báo theo quy định tại địa chỉ http://online. gov.vn; tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách quản lý nhà nước về TMĐT, tổng quan và xử lý vi phạm trong TMĐT”.
(Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Bộ Công thương)
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/phat-trien-kinh-te-gan-voi-du-lieu-so-a339956.html