Phát triển kinh tế làng nghề: Cần có chính sách phù hợp
Các sản phẩm làng nghề của cả nước đã xuất khẩu sang khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD/năm, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, làng nghề hiện nay đang tồn tại một số bất cập và phải có các chính sách phù hợp để phát triển, nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều trở ngại trong phát triển
Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay cả nước có trên 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia.
Tại Diễn đàn “Doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế làng nghề” do Tỉnh ủy Bắc Ninh và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 27/12/2019, tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, trong hơn 30 năm đổi mới kinh tế làng nghề đã có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của đất nước.
Các làng nghề đã giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, kinh tế làng nghề cũng bộc lộ nhiều vấn đề từ quy hoạch, đất đai, ô nhiễm môi trường, khó khăn trong tiếp cận khoa học công nghệ, vốn và hỗ trợ tài chính của nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá sản phẩm và phát triển bền vững…
Ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Tập đoàn Hanaka - một doanh nghiệp đang tham gia đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề cho rằng, trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn cũng như xây dựng nông thôn mới, làng nghề có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi nhờ có làng nghề, hàng triệu người lao động không những có việc làm mà còn là cách tốt nhất để người nông dân “ly nông bất ly hương”. Tuy nhiên, làng nghề cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như: Đầu ra cho các sản phẩm, đào tạo nghề cho người lao động, sản xuất nhỏ lẻ manh mún, không có hệ thống xử lý chất thải,...
Thực tế, như tại làng nghề gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), làng nghề gỗ Đồng Kỵ với trên 16.000 dân, trong đó có khoảng trên 200 doanh nghiệp và hàng nghìn xưởng sản xuất hộ gia đình. Song, hiện nay do thị trường xuất khẩu đang đóng băng, số lượng sản phẩm gỗ xuất khẩu chỉ là một phần nhỏ so với trước đây, các doanh nghiệp tại làng nghề gỗ rơi vào tình trạng khó khăn, một phần đóng cửa, một phần đi vào phục vụ khách nội địa, một phần tìm tòi các mẫu mới để phục vụ nhu cầu dân dụng theo xu thế thị trường...
Đối với rất nhiều làng nghề khác hiện nay đã không còn bảo lưu được tính kế thừa. Các bạn trẻ hiện nay có rất ít người muốn gắn bó với nghề do bao đời cha ông để lại. Chưa kể, hạn chế của các làng nghề hiện nay là mẫu mã sản phẩm còn ít, chưa có sự sáng tạo phá cách trong các thiết kế mẫu sản phẩm, do đó không hoặc chưa thu hút được nhiều sự chú ý của người tiêu dùng.
Mấu chốt ở chính sách hỗ trợ
Thời gian tới, trong bối cảnh các điều kiện, môi trường và hoàn cảnh có nhiều thay đổi, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị hiệp hội và các cơ quan quản lý cần hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tại các ngành nghề, làng nghề ở nông thôn nắm bắt được các cơ chế chính sách và pháp luật của Nhà nước. Chính quyền các địa phương cần quan tâm lắng nghe, chỉ đạo để phát triển kinh tế làng nghề lành mạnh; quan tâm phát triển kinh tế hợp tác để liên kết trong sản xuất giúp giải quyết các khó khăn. Các cơ quan quản lý cần tách biệt giữa ngành nghề ở nông thôn với các làng nghề truyền thống để từ đó hoạch định lại, có cơ chế chính sách để định hình được hướng đi phù hợp.
Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Mẫn Ngọc Anh kiến nghị, cần có chính sách ưu đãi về thuế, tài chính đất đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực kinh tế làng nghề. Có như vậy mới thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước hơn tham gia vào lĩnh vực này; có cơ chế cụ thể, ưu đãi về đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thu gom, tập kết chất thải tại chỗ để có mặt bằng sạch, đặc biệt, cơ chế hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, dài hạn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách phù hợp để giúp làng nghề phát triển thành những trung tâm gia công sản xuất phụ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư trong các khu công nghiệp FDI và các tập đoàn lớn của Việt Nam.
“Sự phát triển bền vững làng nghề phụ thuộc các chính sách hỗ trợ, nhất là về quy hoạch và mặt bằng kinh doanh, về cơ sở hạ tầng và công nghệ bảo vệ, xử lý môi trường; vốn và về phát triển thương hiệu, ổn định đầu ra; gắn với quy hoạch và chiến lược tổng thể xây dựng nông thôn mới…” - ông Mẫn Ngọc Anh bày tỏ.
Theo ông Vũ Văn Quý, Nhà nước cũng như tỉnh Bắc Ninh muốn duy trì được những làng nghề truyền thống như làng nghề gỗ Đồng Kỵ, trước hết cần đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách, để doanh nghiệp tại làng nghề yên tâm bỏ vốn đầu tư mà không còn phải băn khoăn, trăn trở, lo lắng. Đồng thời, coi doanh nghiệp tư nhân tại làng nghề là một động lực chính để phát triển kinh tế tại địa phương, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ vì các loại hình này có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho địa phương và xã hội.
Tất cả các doanh nghiệp đang kinh doanh tại làng nghề không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế, được bình đẳng về hỗ trợ vay vốn, thuê đất, quy định kinh doanh. “Vì giá thuê đất làm mặt bằng nhà xưởng, cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại làng nghề Đồng Kỵ đang quá cao so với mặt bằng thuê đất chung của doanh nghiệp trong toàn tỉnh, nên các doanh nghiệp Đồng Kỵ đang phải đầu tư vốn vào mặt bằng sản xuất kinh doanh quá lớn không còn vốn lưu động để kinh doanh” - ông Vũ Văn Quý nói.
Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ công tác đào tạo nghề, nâng cao tay nghề tại chỗ (thực hành tại xưởng trực tiếp) cho các học viên là thợ tại làng nghề để duy trì giữ nghề, phát triển làng nghề lâu dài, tổ chức thường niên các cuộc thi tay nghề cho các thợ lành nghề để vinh danh các làng nghề, các nghệ nhân, các doanh nghiệp có uy tín để doanh nghiệp yên tâm phối hợp cùng nhà nước đầu tư duy trì, phát triển nghề.
Một số đại biểu khác cũng đề nghị các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, tạo mặt bằng sản xuất, kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, việc xây dựng một thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp cũng chính là nền tảng vững bền cho các doanh nghiệp vươn lên khẳng định vị thế của mình trên thương trường.