Phát triển kinh tế ở Liên Hiệp
Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp (Bắc Quang), Hoàng Kim Chuông cho biết: Liên Hiệp thực hiện 7 cánh đồng mẫu lớn để sản xuất '5 cùng'; còn lại là hàng chục nhóm sở thích gắn liền thôn tự chủ, tự quản để phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh, trật tự xã hội ngay tại mỗi thôn, bản.
Ngồi sau xe máy của Bí thư Đảng ủy xã Liên Hiệp, Nông Hoàng Chương vào thôn Muộn để kiểm chứng thực tế mô hình kinh tế tự chủ, tự quản ở một làng quê thuần nông và đến thăm gia đình anh Nguyễn Hữu Tứ. Anh Tứ tự hào: Mỗi tuần, gia đình tôi đón khoảng 5 – 10 du khách đến từ các nơi cả trong và ngoài tỉnh về nghỉ ngơi, câu cá. Mỗi ngày ngồi câu, du khách phải trả gia chủ ít nhất là 300.000 đồng; câu được bao nhiêu, cá thuộc về du khách bấy nhiêu. Còn việc khách có nhu cầu nghỉ lại nhà gia chủ ăn gì, gia chủ nấu nướng phục vụ; giá cả bình dân kiểu Homestay. Bí thư Đảng ủy xã, Nông Hoàng Chương xác nhận, làm du lịch kiểu Homestay như gia đình anh Tứ ở thôn Muộn, hay ở thôn Ba Hồng đã phát triển được vài năm nay và rất hút khách.
Qua trao đổi, anh Tứ cho biết: “Các thôn ở Liên Hiệp phát triển kinh tế kiểu Homestay là nhờ vào tính tự chủ, tự quản cao trong nhân dân. Tại mỗi thôn, người dân đều được bàn bạc, trao đổi cách nghĩ, cách làm rồi cùng nhau làm ăn. Kinh tế thôn Muộn phát triển như ngày nay có được là từ việc giữ, bảo vệ và trồng rừng. Từ rừng, có nước, người trong thôn đắp đập, đào ao thả cá. Nước nhiều, cây cối tốt tươi; người dân trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng như: Khôi tía, Đinh lăng với hàng chục ha để bán cho các nhà thuốc. Bảo tồn rừng, trồng thêm khoảng 15 ha cây Gió Bầu để tạo trầm và giữ rừng; tạo ra một màu xanh cây cối mang lại nguồn thu từ lâm sản phụ phục vụ chăn nuôi trâu, bò, dê. Cũng từ rừng, nhiều gia đình thôn Muộn xây chuồng trại nuôi trâu, lợn đen..., tạo nguồn sinh kế mang tính tự chủ phát triển khép kín rất hiệu quả và bền vững…” - Anh Tứ khẳng định như vậy.
Bí thư Đảng ủy xã, Nông Hoàng Chương thì cho rằng, cách làm từ thôn, tự chủ từ mỗi gia đình để phát triển kinh tế đã mang đến cho toàn xã Liên Hiệp một hướng đi bền vững từ trồng trọt đến chăn nuôi và tiêu thụ hàng hóa thông qua khách du lịch nông nghiệp ví như một chuỗi. Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp, Hoàng Kim Chuông cho rằng, kinh tế ở Liên Hiệp chủ yếu dựa vào kinh tế tổng hợp từ rừng; cả xã có tới 2/3 số thôn có vài trăm ha rừng kinh tế theo mô hình tự chủ, tự quản và đi lên từ trang trại, gia trại tổng hợp khép kín. Trong đó, kinh tế hộ làm trọng tâm, gắn liền với làng xã nhằm thu hút khách du lịch. Chân đi, miệng là cách để người dân Liên Hiệp vốn thuần nông nay thu hút khách đến nhà; vừa làm du lịch, lại vừa làm thương mại, dịch vụ. Lợi thế trên đã được Đảng ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo chặt chẽ bằng chủ trương giữ rừng, trồng rừng và làm kinh tế gia trại, trang trại được quán triệt thực hiện tại khắp các thôn, bản. Còn kinh tế tập trung, hiện cả xã chỉ thực hiện 5 cùng tại 7 cánh đồng mẫu lớn để tạo ra hàng hóa lớn, liên kết tiêu thụ từ bên ngoài. Số còn lại, các nhóm sở thích được các thôn họp bàn cách làm, hướng đi, tháo gỡ nguồn vốn rồi cùng nhau làm ngay từ thôn, từ hộ và anh em, dòng tộc. Người khấm khá hỗ trợ hộ còn yếu, còn thiếu kiến thức để cùng nhau tiến tới làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Theo báo cáo của UBND xã Liên Hiệp cho thấy: Qua nửa năm 2019, Liên Hiệp đã đạt và vượt 27/34 chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra; các chỉ tiêu quan trọng nhất là: Tổng đàn gia súc đạt trên 7.592 con; 62 mô hình chăn nuôi cá ước đạt doanh thu từ 120 – 160 triệu đồng/năm; Tổ hợp tác vận tải có 14 xe ô tô chuyên phục vụ vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ cho 8 cơ sở thu mua, sản xuất gỗ ván bóc, chế tác đồ mộc dân dụng và vận chuyển cát, sỏi làm đường bê tông nông thôn. Các thôn, Ba Hồng, Tân Thành 1, Tân Thành 2 và Tân Thành 3 đang quyết tâm phấn đấu đạt thôn Tự chủ, tự quản vào cuối năm 2019 với mức thu nhập bình quân 30 triệu đồng/người/năm. Tự chủ bàn bạc làm ăn, tự quản về trật tự xã hội ngay tại thôn, bản đang trở thành mục tiêu phấn đấu của Liên Hiệp để vươn lên trở thành xã vững mạnh toàn diện chào mừng Đại hội Đảng các cấp năm 2020.
Trăn trở nhiều về khả năng tìm kiếm các mối liên kết từ các doanh nghiệp bên ngoài vào bắt tay với nông dân cùng làm ăn, cùng tiến xa hơn; Bí thư Đảng ủy xã, Nông Hoàng Chương và Chủ tịch UBND xã, Hoàng Kim Chuông cho biết: Liên Hiệp vốn rất tiềm năng về kinh tế rừng với vài trăm ha đã được trồng phủ kín; ngoài ra, diện tích ruộng thực hiện hàng chục cánh đồng mẫu lớn để sản xuất lúa gạo đặc sản. Riêng chăn nuôi gia súc, nuôi cá có khoảng 62 ha diện tích ao, đập, nuôi vịt bầu thả suối còn rất nhiều tiềm năng, thế mạnh. Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp làm ra, mức tiêu thụ còn chậm nên hiệu quả kinh tế chưa cao và chưa kích thích, thúc đẩy người dân sản xuất, nuôi trồng. Cụ thể, giá bán cá Trắm cỏ loại to khoảng 60.000 đ/kg, vịt bầu thả ruộng bán theo con, lợn đen, gà vườn đồi bán chưa được nhiều và thường xuyên bị ép giá… Mong rằng, thời gian tới cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang sẽ “bắc cầu” để các doanh nghiệp vào với người dân Liên Hiệp cùng làm ăn; để tiềm năng, thế mạnh của địa phương được phát huy, đời sống người dân ngày thêm sung túc; nếu làm được vậy, xã Liên Hiệp sẽ còn tiến xa hơn.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201908/phat-trien-kinh-te-o-lien-hiep-749081/