Phát triển kinh tế phải gắn chặt với bảo vệ môi trường

Mối liên hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường (BVMT) ngày càng cho thấy tầm quan trọng, liên quan trực tiếp tới phát triển bền vững. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết: Để phục vụ định hướng phát triển bền vững, năm 2020, bộ sẽ tiếp tục tập trung, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trên tất cả lĩnh vực của ngành, đặc biệt là những vấn đề quan trọng, như: Quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, trong năm qua, việc quản lý tài nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ trưởng có thể chia sẻ về vấn đề này, cũng như những kết quả nổi bật của ngành trong năm 2019?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trước hết, về thể chế, chính sách, Bộ TN&MT đã trình, ban hành các chính sách tháo gỡ những vướng mắc về quy hoạch đất đai, khoáng sản, biển và hải đảo để tiếp tục khơi thông, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên cho phát triển. Trong năm 2019, cơ cấu sử dụng đất được chuyển dịch, bảo đảm yêu cầu về mặt bằng cho phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị, nhà ở. Cùng với đó, tình trạng lãng phí, vi phạm pháp luật về đất đai được đẩy mạnh giải quyết, với việc xử lý hơn 1.300 dự án chậm triển khai (diện tích 18.844ha). Nguồn thu từ tài nguyên đạt cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó thu từ đất tính đến ngày 25-12-2019 đạt hơn 172.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 11% thu ngân sách nội địa; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đến nay đạt 9.354 tỷ đồng (năm 2019 thu 1.165 tỷ đồng); tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được phê duyệt của cả nước là 50.909 tỷ đồng (năm 2019 thu 4.780 tỷ đồng). Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục về đất đai giảm 10,7%; tỷ lệ người dân phản ánh có "bôi trơn" trong làm thủ tục cấp giấy chứng nhận giảm 29%; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) tăng đều qua 3 năm.

Ngoài ra, nhờ sự nỗ lực của toàn ngành, công tác quản lý, BVMT có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Nhiều giải pháp tổng thể, đồng bộ trong quản lý chất thải rắn, rác thải nhựa được triển khai. Chúng tôi cũng triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm không khí; BVMT lưu vực sông; đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở, làng nghề gây ô nhiễm môi trường... Một điểm sáng nữa của ngành trong năm 2019 là đã hoàn thành việc điều tra, lập bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 trên quy mô toàn quốc, đồng thời là ngành đầu tiên ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0…

PV: Có thể thấy, nhiều thách thức mà ngành TN&MT phải đối mặt trong thời gian tới, trong đó là những biểu hiện xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, BVMT, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trước hết, vẫn còn những xung đột trong các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, BVMT, quản lý tài sản công… dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực thi ở địa phương. Cùng với đó, nhu cầu về tài nguyên cho phát triển ngày càng tăng, trong khi khả năng cung ứng là hạn chế và đang bị suy giảm, suy thoái, nhất là tài nguyên nước, đất, đòi hỏi phải tính toán, quy hoạch, sử dụng hợp lý cho các nhu cầu, gắn với nâng cao hiệu quả, bảo đảm trước mắt và lâu dài.

Một vấn đề nữa là ô nhiễm do tác động tích lũy từ quá trình phát triển đã chạm ngưỡng chịu tải của môi trường; lượng phát thải ra môi trường ngày càng tăng, riêng chất thải rắn trung bình mỗi năm tăng 10-16%, trong khi, tỷ lệ được tái chế còn thấp; chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có xu hướng giảm. Lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ ra các lưu vực còn rất lớn… Đáng chú ý, hiện nay, các nước trên thế giới ngày càng chú trọng đến hàng rào kỹ thuật về môi trường, trong khi nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, nguy cơ chuyển dịch công nghệ lạc hậu, kém thân thiện của các quốc gia phát triển sang nước ta là rất cao nếu chúng ta không có các hàng rào kỹ thuật hữu hiệu.

Toàn cảnh Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải ở thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: VŨ DUNG

Nói không với những công nghệ cũ, lạc hậu

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, sản xuất điện than đang gây ảnh hưởng tới môi trường, trong đó có vấn đề ô nhiễm không khí tại một số địa phương. Song, hiện nay điện than vẫn giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng. Vậy Việt Nam nên phát triển nhiệt điện than theo xu hướng nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì khu vực phía Bắc có 20 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động, trong đó các nhà máy có công suất lớn tập trung chủ yếu ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Về việc phát tán bụi của nhà máy nhiệt điện than, tất cả báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các dự án nhà máy nhiệt điện đều đã được dự báo, đánh giá mức độ lan truyền bụi, khí thải phân tán trong môi trường không khí (sử dụng mô hình tính toán được thế giới công nhận) và áp dụng Quy chuẩn Việt Nam để so sánh. Trên thực tế, các nhà máy điện than đang vận hành đều có hệ thống lọc bụi bằng tĩnh điện.

Các nhà máy nhiệt điện than cho chi phí sản xuất điện thấp, chỉ sau thủy điện. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tỷ lệ cơ cấu các nguồn phát điện được xác định trên cơ sở bảo đảm giá bán điện mà người dùng điện và nền kinh tế quốc gia chấp nhận được, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu BVMT ngày càng cao. Trong điều kiện của chúng ta, thủy điện đã khai thác triệt để, khí đốt khai thác được không đủ cho chính những nhà máy điện khí đang vận hành, các nhà máy nhiệt điện khí khác sẽ phải dùng khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu cho giá thành sản xuất điện đắt hơn nhiều so với điện than. Cũng cần biết rằng, hiện nay ở các nước phát triển, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Đức, Mỹ… tỷ lệ cơ cấu các nguồn phát điện than vẫn cao.

Việt Nam là nước đang phát triển, do đó vẫn phải coi điện than là nguồn cung chính. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm, yêu cầu và quy định về BVMT, nói không với những công nghệ cũ, lạc hậu và ưu tiên những công nghệ hiện đại, mang tính bền vững hơn.

Từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn

PV: Vậy đâu là những nhiệm vụ chính của ngành TN&MT trong năm 2020 để giải quyết các thách thức đang đặt ra, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Năm 2020, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, môi trường của giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị nền tảng cho các mục tiêu dài hạn hơn đến năm 2030, năm 2045. Trước hết, Bộ TN&MT sẽ tập trung sửa đổi Luật BVMT để tiếp cận, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với BVMT phù hợp với yêu cầu hội nhập và cam kết quốc tế; khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường, từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; đưa công tác BVMT sang giai đoạn mới.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành đồng bộ cơ sở pháp lý cho thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai. Trong đó, tập trung chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dữ liệu không gian địa lý, đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu đất đai của ít nhất 40% số đơn vị hành chính cấp huyện. Đồng thời, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chủ động mặt bằng cho triển khai các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Trong năm 2020, công tác thanh tra của bộ cũng sẽ tập trung rà soát và công khai các dự án vi phạm, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn; điều phối, giám sát liên ngành trong quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước lưu vực sông. Chủ động tham mưu chủ trương, đối sách của Việt Nam trong hợp tác chia sẻ nguồn nước. Nghiên cứu dự báo các nguy cơ tai biến địa chất, như: Sạt lở, sụt lún, động đất... Ngoài ra, Bộ TN&MT sẽ nỗ lực hơn nữa để tạo chuyển biến, chủ động trong công tác quản lý, BVMT. Trong đó, thực hiện phân vùng môi trường theo quy hoạch để định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường. Ứng dụng công nghệ để quản lý môi trường thông minh tại các đô thị; triển khai các giải pháp đồng bộ để xử lý, tái chế rác thải bảo đảm tối ưu về kinh tế, an toàn về xã hội và môi trường; triển khai kế hoạch hành động quản lý chất lượng không khí; thúc đẩy thực hiện những dự án xử lý ô nhiễm các nguồn nước mặt, bảo đảm tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động.

Toàn ngành tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tổng thể trong kế hoạch quốc gia ứng phó với BĐKH, tăng cường điều phối liên vùng, thực hiện chuyển đổi sản xuất quy mô lớn ở các vùng chịu tác động mạnh của BĐKH như Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ... để chủ động thích ứng, chuyển hóa các thách thức thành lợi thế cho phát triển, bảo đảm sinh kế bền vững cho nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

LÊ HIẾU (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-kinh-te-phai-gan-chat-voi-bao-ve-moi-truong-610047