Phát triển kinh tế song hành cùng chống dịch

Liệu có thể hy sinh sức khỏe để đổi lấy kinh tế giữa đại dịch COVID-19 hay không? Câu trả lời là 'Sức khỏe song hành với kinh tế thịnh vượng trong việc đẩy lùi đại dịch ở châu Á-Thái Bình Dương'.

Đó là quan điểm mà TS. Takeshi Kasai - Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương cùng chuyên gia kinh tế APEC đưa ra tại họp báo do Diễn đàn Kinh tế Thế giới phối hợp cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức.

Đại dịch COVID-19 về cơ bản thay đổi hệ thống y tế, hình thành nên cách nghĩ và cách sống mới giúp chúng ta thích nghi với COVID-19 và những đại dịch khác có thể xảy ra trong tương lai. Tại cuộc họp báo, TS. Kasai và TS. Tan Sri Rebecca - Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC đã giải đáp câu hỏi của các phóng viên thông tấn hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương:

TS. Takeshi Kasai họp báo trực tuyến cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

TS. Takeshi Kasai họp báo trực tuyến cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

PV: Tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế APEC thế nào? Cần làm gì để đưa nền kinh tế APEC dần trở lại bình thường cùng với việc đẩy lùi đại dịch?

TS. Rebecca: Châu Á-Thái Bình Dương cần phối hợp hành động chung, đưa ra chính sách thương mại, duy trì thị trường mở, minh bạch, đảm bảo tiếp tục dòng chảy đầu tư để bảo vệ những nền kinh tế bị tổn thương.

APEC có tỷ lệ bình quân 4,1 giường bệnh; 1,9 bác sĩ và 3,9 y tá hay nữ hộ sinh/1.000 dân. Do vậy mà APEC cần phải tăng số lượng nhân viên y tế ở mỗi nước để đứng vững trước đại dịch. Tác động của đại dịch đã khiến kinh tế APEC năm 2020 suy thoái 2,7%, so với tăng trưởng 3,6% của năm ngoái. Ước tính thiệt hại của nền kinh tế APEC do đại dịch lên tới 2.100 tỷ USD và khiến 23 triệu người mất việc làm. Vì vậy, chúng ta cần cam kết mở cửa nền kinh tế và hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo nguồn cung y tế và hàng hóa thiết yếu bền vững.

PV: Chúng ta có nên lo lắng về làn sóng thứ hai trước khi gỡ bỏ mọi phong tỏa ở khu vực Tây Thái Bình Dương?

TS. Kasai: Vào mùa hè này, cho tới khi có vắc-xin hiệu quả thì ai cũng đứng trước nguy cơ, vì vậy, mỗi nước, trong đó những nước đã gỡ bỏ phong tỏa vẫn cần giám sát, vẫn cần theo dõi cộng đồng trên diện rộng. Cần phải phát hiện và cách ly sớm ca nhiễm, tìm F1, F2, truy tìm dấu vết tiếp xúc gần. Điều quan trọng là tăng cường xét nghiệm trong ứng phó với dịch. Sử dụng thông tin đa nguồn, mạng lưới giám sát (kể cả mạng lưới giám sát viêm phổi...). Khi gỡ bỏ phong tỏa, cần đảm bảo vệ sinh trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.

PV: Một khi đã có vắc-xin phòng COVID-19, WHO sẽ điều phối nguồn cung thế nào để đảm bảo công bằng trong tiếp cận?

TS. Rebecca: APEC và WHO phối hợp hành động chung để hỗ trợ vắc-xin, máy trợ thở, nước rửa tay khô. Cần phải điều chỉnh thuế hợp lý để đảm bảo nguồn cung mở cho các thành viên. Chẳng hạn như Singapore và New Zealand đã đàm phán giảm thuế để đảm bảo tiếp cận hàng hóa y tế toàn khu vực.

TS. Kasai: Vắc-xin là nhu cầu y tế công toàn cầu. Vắc-xin có thể dự trữ và phân phối công bằng để bảo vệ mọi người. WHO cùng các đối tác đang tiến hành đẩy mạnh tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc-xin và phân phối đủ vắc-xin ngừa COVID-19 một khi sản phẩm ra đời. Nhiều quốc gia ở khu vực đã cam kết hàng tỷ USD cho công cuộc ra đời vắc-xin đẩy lùi đại dịch.

PV: Liệu có phải do biến thể SARS-CoV-2 mà ca mắc và tử vong ở Mỹ và châu Âu cao hơn một số nơi khác?

TS. Kasai: Hiện WHO chưa có bằng chứng nào cho thấy SARS-CoV-2 biến thể ở Mỹ hay châu Âu so với những nơi khác. Các nước ASEAN hay Nhật Bản có ca nhiễm và tử vong thấp bởi những nước này đã có biện pháp phòng dịch tương đối tốt từ rất sớm, phát hiện và cách ly sớm, chuẩn bị sẵn kịch bản và phương tiện ứng phó, huy động toàn thể chính phủ và nguồn lực chống dịch.

Nguyễn Vân (đưa tin từ họp báo trực tuyến)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-trien-kinh-te-song-hanh-cung-chong-dich-n174073.html