Phát triển kinh tế tập thể khu vực trung du và miền núi phía bắc

Trong nhiều năm qua, kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế hợp tác xã (HTX) đã trở thành động lực phát triển kinh tế khu vực trung du và miền núi phía bắc. Tuy nhiên, để kinh tế tập thể đóng góp tích cực hơn cho xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở khu vực miền núi phía bắc thì vẫn còn nhiều việc phải làm...

Nông sản của các hợp tác xã tại phiên chợ được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng.

Nông sản của các hợp tác xã tại phiên chợ được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng.

Trong nhiều năm qua, kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế hợp tác xã (HTX) đã trở thành động lực phát triển kinh tế khu vực trung du và miền núi phía bắc. Tuy nhiên, để kinh tế tập thể đóng góp tích cực hơn cho xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở khu vực miền núi phía bắc thì vẫn còn nhiều việc phải làm...

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), tính đến hết năm 2018, khu vực trung du, miền núi phía bắc có 3.371 HTX, chiếm 24,15% số HTX trong cả nước. Trong đó, số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nông nghiệp, thủy sản) chiếm hơn 60%, còn lại hơn 30% hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. HTX có nhiệm vụ tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời cung ứng các sản phẩm đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, con giống. Các thành viên trong HTX đều tự sản xuất và thu lợi nhuận, sau đó, thành viên trích một phần lập quỹ để chi trả nguyên vật liệu đầu vào.

HTX Tuấn Dũng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang là một trong những HTX điển hình với cách làm ăn mới không chỉ dựa vào kinh nghiệm mà còn xây dựng được chiến lược phát triển khá thành công. HTX Tuấn Dũng có hơn 100 hộ dân với sản phẩm chính là mật ong bạc bà. Hiện nay, HTX duy trì 2.200 đàn ong, với sản lượng năm 2018 đạt hơn 15 nghìn lít, doanh thu 6,5 tỷ đồng, cho thu nhập năm triệu đồng/người/tháng.

Ngoài phát triển HTX theo mô hình mới, tại tỉnh Hà Giang xuất hiện khá nhiều HTX hoạt động theo phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị như HTX Hải Khang, huyện Bắc Quang. Cụ thể, HTX đã xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến thực phẩm từ lợn đen, gà địa phương do chính HTX chăn nuôi, chế biến (đóng gói, gắn tem, nhãn mác sản phẩm), doanh thu mỗi năm đạt hơn hai tỷ đồng.

Tại tỉnh Hòa Bình, những mô hình HTX kiểu mới cũng đã phát huy thế mạnh trở thành động lực trong xây dựng NTM. Từ năm 2013 đến nay, ngoài việc nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý và xã viên HTX, tỉnh Hòa Bình bố trí kinh phí hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng, hỗ trợ tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối cung - cầu trong tỉnh và khu vực. Nhờ đó, doanh thu trong lĩnh vực HTX năm 2018 đã đạt gần 490 tỷ đồng.

Tạo động lực cho hợp tác xã

Theo Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đến nay tổng nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế HTX của 10 trong 15 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía bắc là hơn 598 tỷ đồng. Với nguồn vốn hỗ trợ này, các HTX nông nghiệp đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Ðáng chú ý, tại các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Tuyên Quang, đã xuất hiện những mô hình HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm như: vùng sản xuất chè, cây ăn quả, dược liệu, lúa đặc sản chất lượng cao. Bước đầu không chỉ gia tăng thu nhập cho xã viên trên một đơn vị diện tích canh tác, mà còn cho thấy phát triển HTX nông nghiệp đã và đang góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Ðức Thịnh, hiện chỉ 40% số HTX trên cả nước hoạt động hiệu quả, còn lại là hoạt động trung bình và yếu kém. Ðể nâng cao hiệu quả HTX của vùng trung du miền núi phía bắc, cần phải khắc phục ngay những mặt còn yếu kém, bất cập như: năng lực, trình độ quản lý của hội đồng quản trị HTX, ban giám đốc, các thành viên HTX phải coi HTX là tổ chức kinh tế của chính các thành viên, chứ không phải chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Ðồng thời, Nhà nước cần kịp thời bổ sung cơ chế, chính sách mới thay thế những chính sách chưa thật sự hiệu quả, các dịch vụ công yếu kém cản trở HTX phát triển.

Ðể chung tay với người nông dân, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các HTX, Giám đốc thu mua hệ thống siêu thị Big C (thuộc Tập đoàn Central Group) khu vực miền bắc Phạm Thị Thùy Linh cho biết, ngoài hỗ trợ thu mua sản phẩm trực tiếp cho xã viên chiết khấu 0%, tập đoàn xây dựng kế hoạch phát triển sinh kế cộng đồng cho nông dân vùng sâu, vùng xa trong hệ thống bán lẻ, tổ chức hội chợ đặc sản, hỗ trợ sản phẩm OCOP đối với các tỉnh trong hệ thống. Tập đoàn cũng hỗ trợ vận chuyển và hướng dẫn quy trình đóng gói cho xã viên HTX.

Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, của địa phương, Chính phủ và Bộ NN và PTNT cũng có những chính sách cụ thể hỗ trợ HTX. Trong đó, có chính sách hỗ trợ tiền lương ba năm đầu cho lao động trẻ về HTX, tổ chức các lớp đào tạo lao động trẻ cung cấp nguồn cho HTX. Bộ NN và PTNT cũng đã lập đề án đưa lao động HTX đi lao động tại Nhật Bản để học tập kinh nghiệm sản xuất và quản trị HTX để khi về nước vận dụng tốt hơn.

Bài và ảnh: Ngọc Sơn

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41056002-phat-trien-kinh-te-tap-the-khu-vuc-trung-du-va-mien-nui-phia-bac.html