Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn

Kinh tế tập thể (KTTT), mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là kênh huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Với nhận thức đó, để giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển KTTT, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều cách làm linh hoạt, thiết thực khuyến khích các hộ nông dân chủ động liên kết thành các tổ hợp tác (THT), HTX.

Phát triển kinh tế tập thể trong

 Thu hoạch lúa.

Thu hoạch lúa.

Hình thành các mô hình kinh tế hợp tác

Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động ban hành kế hoạch vận động, xây dựng và hướng dẫn thành lập các mô hình liên kết sản xuất. Vận động nông dân tìm hiểu, tự nguyện tham gia các hình thức liên kết sản xuất phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong năm 2020, Hội Nông dân các cấp trực tiếp hướng dẫn xây dựng, thành lập mới 60 mô hình kinh tế hợp tác (8 hợp tác xã, 52 tổ hợp tác); nâng tổng số đến nay 334 mô hình kinh tế hợp tác (trong đó có 40 HTX) do hội trực tiếp hướng dẫn, thành lập trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ nông sản và các lĩnh vực chuyên ngành theo sở thích... Một số mô hình hoạt động có hiệu quả như: THT sản xuất giống lúa xác nhận xã Bắc Ruộng (Tánh Linh); THT sản xuất thanh long VietGAP Minh Thành (Hàm Thuận Nam); THT rau an toàn thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc); HTX Thanh long Thuận Tiến (Hàm Thuận Bắc)….

Cùng với việc vận động, hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, các cấp hội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình này như: Tập huấn, tổ chức tham quan, học tập các mô hình hiệu quả ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, hội đã chủ động phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; đầu tư nâng cao quy mô và năng lực sản xuất.

Hội còn chủ động hướng dẫn đầu tư phát triển sản xuất thông qua các dự án, mô hình liên kết gắn với sản xuất an toàn, theo định hướng sản phẩm chủ lực hoặc những sản phẩm đăng ký OCOP của địa phương, gắn với xây dựng tổ nhóm KTTT. Do đó, nhiều câu lạc bộ, THT ngành nghề, HTX đã được hình thành và đang phát triển hiệu quả. Ngoài ra, còn phối hợp đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vốn nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng nông thôn mới. Kết quả có 112/233 mô hình kinh tế hợp tác được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân hơn 13 tỷ đồng/73 mô hình; nguồn vốn Ngân hàng NN&PTNT hơn 7 tỷ đồng/10 mô hình; nguồn vốn Ngân hàng CSXH 2,7 tỷ đồng/10 mô hình… Từ kết quả đó cho thấy kinh tế hợp tác giúp nhau cùng phát triển là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế; đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân được nâng lên.

Giải pháp phát triển kinh tế hợp tác

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Phú Hoàng nhìn nhận: “Qua các mô hình được các cấp hội triển khai, các thành viên tham gia còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung, thiếu vốn đầu tư vì THT chưa có tư cách pháp nhân nên khó quan hệ hợp tác vay vốn, liên kết… Ngoài ra, hoạt động dịch vụ của các THT, HTX chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các hộ thành viên. Một số HTX thiếu năng động, chưa thực hiện đúng nguyên tắc theo quy định của Luật HTX”.

Do đó để góp phần tham gia có hiệu quả trong việc phát triển kinh tế hợp tác thời gian tới, các cấp hội tiếp tục tăng cường tư vấn, hướng dẫn các THT phát triển thành các HTX. Phát hiện, nhân rộng, biểu dương khen thưởng kịp thời các mô hình HTX, THT, CLB ngành nghề điển hình, hoạt động có hiệu quả cao, có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phát triển KTTT trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025, tạo chuyển biến mới trong nhận thức nhất là thành lập các HTX kiểu mới. Đặc biệt, xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp phù hợp, đảm bảo theo tiêu chí “5 tự”: tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và “5 cùng”: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Tập trung xây dựng mô hình điểm “3 trong 1”, “4 trong 1”…

Hy vọng, với những giải pháp đó, KTTT trong nông nghiệp, nông thôn sẽ có những cải thiện đáng kể góp phần vào sự phát triển kinh tế chung toàn tỉnh.

MINH Vân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-tap-the-trong-nong-nghiep-nong-thon-133519.html