Phát triển kinh tế tập thể từ giải pháp chính sách
Thông qua các giải pháp chính sách thiết thực trong 15 năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã phát huy vai trò chức năng các đơn vị kinh tế tập thể hoạt động theo mô hình tự chủ kiểu mới, kết quả góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng, từ năm 2006, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã triển khai đề án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn với đối tượng thụ hưởng gồm hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), liên hiệp HTX. Đến năm 2010, toàn tỉnh đã xây dựng 2 liên minh HTX hoạt động ở 2 vùng nông nghiệp trọng điểm; đồng thời hỗ trợ 19 HTX xây dựng quy trình sản xuất rau, hoa công nghệ cao, đầu tư máy móc, kho lạnh sơ chế, chế biến nông sản sau thu hoạch; 1 HTX và 1 Liên hiệp HTX tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong nước. Ngoài ra, còn tạo các cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi cho 11 HTX mở rộng đầu tư tín dụng nội bộ.
Bước sang giai đoạn năm 2010 - 2015, Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng triển khai đề án đổi mới và phát triển kinh tế tập thể với tổng nguồn vốn được phê duyệt gần 17 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước Trung ương và của tỉnh hơn 9,5 tỷ đồng, các HTX, THT đối ứng gần 7,4 tỷ đồng. Qua đó, chi cục này đã hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh tại các HTX An Phú, xã Hiệp An, Đức Trọng; HTX Phi Vàng, xã Đạ Ròn và HTX Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương; HTX Cà phê Lâm Viên, xã Liên Đầm, huyện Di Linh; HTX An Lạc, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm; HTX Tân Sơn, phường Lộc Sơn, Bảo Lộc; HTX Dịch vụ nông nghiệp Trung Thành, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên... Và khi đi vào hoạt động, các HTX này tiếp tục được Chi cục hỗ trợ vốn đầu tư chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, mở rộng dây chuyền máy móc, nhà xưởng sản xuất, chế biến nông sản theo nhu cầu thị trường. Ngoài ra, Chi cục còn tổ chức cho 12 HTX nông nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng tham gia hội chợ xúc tiến thương mại tại TP Hồ Chí Minh, trong đó, chọn HTX Liên Nghĩa, Đức Trọng xây dựng các tiêu chí thương hiệu rau an toàn.
Cụ thể hơn với nội dung nâng cao năng lực hoạt động các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của kinh tế tập thể, Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng trong cùng thời gian trên đã thực hiện các hạng mục hỗ trợ gồm: 1 kho lạnh cho THT Thanh niên sản xuất hoa; thiết bị máy móc sản xuất giống rau cho HTX Tân Tiến; 4 con bò sữa giống cho HTX chăn nuôi bò sữa Quảng Lập; 1 máy cày cho HTX Đông Thanh; 50 con dê giống lai cho HTX Phú Lâm; hệ thống tưới nhỏ giọt cho 4 ha chè của HTX Trà Việt; 10 máy bơm nước cho THT trồng dâu xã Đạ Oai; 1 máy làm đất cho HTX Dịch vụ Nông lâm súc Phi Vàng; 4.000 m2 hệ thống tưới thông minh cho HTX Nam Sông Đa Nhim; 12 máy nông nghiệp cho HTX An Lạc...
Đến giai đoạn gần đây - năm 2016 - 2020, bên cạnh việc hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành của cán bộ HTX, giải pháp chính sách của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã tập trung nâng cấp, sửa chữa các công trình giao thông trọng điểm phục vụ sản xuất an toàn bền vững, đặc biệt xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị từng mặt hàng nông sản. Tiêu biểu như chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ rau, củ, quả tại Công ty Cổ phần Viên Sơn với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng...
Lũy kế nhân rộng mô hình đến nay, toàn tỉnh đã phát triển 175 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên tổng diện tích gần 24.448 ha, tổng số hơn 16.760 hộ tham gia. So với cùng kỳ tăng 10 chuỗi, 141 hộ và hơn 12.360 tấn sản phẩm. Tính riêng số lượng HTX nông nghiệp từ 45 HTX năm 2008 tăng lên 329 HTX vào cuối năm 2020, tương ứng hơn 731%. Đáng kể trong đó có 117 HTX nông nghiệp hoạt động đạt kết quả khá trở lên.
“Nhiều HTX đã áp dụng kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, hàng năm đạt doanh thu khá cao. Qua đó ,khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân...”, Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.