Phát triển kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu – Bài 1: Giảm phát thải, tăng khả năng phục hồi

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân.

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội phát triển song cũng đang phải đối mặt với ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội phát triển song cũng đang phải đối mặt với ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, song cũng là vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Do đó, trong thời gian tới, việc tăng trưởng kinh tế bền vững đòi hỏi phải có sự điều tiết hài hòa với bình ổn xã hội và bảo vệ môi trường – đây là những vấn đề nổi bật mà chính quyền các địa phương trong vùng cùng với các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách phải đặc biệt quan tâm để có những định hướng quy hoạch, phát triển lâu dài, thiết thực, ổn định.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết với chủ đề: “Phát triển kinh tế bền vững gắn với thích ứng biến đổi khí hậu”.

Bài 1: Giảm phát thải, tăng khả năng phục hồi

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội phát triển song cũng đang phải đối mặt với ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Do đó, để phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong thời gian tới, các địa phương trong vùng cần xây dựng chiến lược thích ứng với những cực đoan của thời tiết nhằm giảm phát thải và tăng khả năng phục hồi.

Ảnh hưởng nặng nề

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội.

Cùng với đó, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề. Ngoài ra, việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở

Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2016, nếu mực nước biển dâng 100 cm và không có các giải pháp ứng phó, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập gần 39% diện tích; trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (hơn 80%), Kiên Giang (gần 77%) và Cà Mau (khoảng 58%).

Cùng với đó, trung bình hằng năm, xói lở đã làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển. Hiện, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834km; trong đó, sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566 km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch), sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268 km.

Với vai trò là thành phố trung tâm, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ chịu nhiều tác động nặng nề của biết đổi khí hậu như: triều cường, sạt lở đất, nắng nóng, bão, lốc xoáy… kéo theo những hiểm họa khác như: xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh… Trong đó, sạt lở bờ sông là một trong những hiện tượng biến đổi khí hậu xuất hiện thường xuyên trong những năm gần đây, gây thiệt hại tài sản, sản xuất của người dân.

Diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gia tăng cả về cường độ và số lượng. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa của thành phố diễn ra tương đối mạnh làm gia tăng hiện tượng sụt lún mặt đất và công trình ở những khu vực có mật độ xây dựng cao, đồng thời việc khai thác nước ngầm phục vụ cấp nước đô thị cũng là nguyên nhân gây sụt lún cục bộ mặt đất…

Đối với Cà Mau, tổng chiều dài bờ biển đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 100 km, tình trạng này đối với bờ sông vào khoảng 365 km với các mức độ sạt lở khác nhau. Cụ thể, sạt lở bờ biển ở mức đặc biệt nguy hiểm có chiều dài khoảng 35 km, tốc độ sạt lở hàng năm bình quân từ 25m – 50m, đặc biệt có những nơi lên đến 50m – 80m. Trong khi đó, với khoảng 65 km bờ biển đang sạt lở ở mức nguy hiểm, thì tốc độ sạt lở hàng năm bình quân từ 20m – 40 m.

Kiên Giang là tỉnh cuối nguồn sông Mekong, tình trạng ngập lụt do lũ và xâm nhập mặn từ biển gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Theo đó, tại thành phố Rạch Giá, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền, đẩy nước ngọt trên sông Cái Sắn và kênh Rạch Giá – Hà Tiên ra xa hơn. Các khu vực trồng rau màu dọc theo hai tuyến này đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới tiêu và phải kết thúc sớm mùa vụ.

Khu vực trồng rau ở phường Vĩnh Hiệp, thành phố Rạch Giá cũng đang gặp khó khăn về nước tưới vì nước mặn đã xâm nhập đến kênh thủy lợi phía Nam. Riêng thành phố Hà Tiên, diện tích lúa vừa thu hoạch ở khu vực biên giới với Campuchia gần như phải phơi đất hoàn toàn vì không còn nước tưới tiêu do hạn và xâm nhập mặn…

Chiến lược thích ứng

Xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN

Xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN

Nhật Bình/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phat-trien-kinh-te-thich-ung-bien-doi-khi-hau-bai-1-giam-phat-thai-tang-kha-nang-phuc-hoi/292679.html