Phát triển kinh tế TP. HCM trên nền tảng công nghệ số

Trong 10 năm tới, phát triển kinh tế thành phố HCM trên nền tảng công nghệ số với thế mạnh về 9 nhóm ngành dịch vụ và 4 nhóm ngành công nghiệp và sản phẩm chủ lực.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: TTXVN phát

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: TTXVN phát

Với truyền thống năng động, sáng tạo, những lợi thế về vị trí địa lý – kinh tế, trong vòng 25 năm nữa, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ vươn mình trở thành đô thị thông minh, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý tại Hội thảo “Định hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2045” do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 5/5.

* Trung tâm đa chức năng

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, trong hơn 45 năm qua Thành phố là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Tỷ trọng các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, ngày càng tăng cơ cấu ngành dịch vụ, giảm dần ngành công nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được nâng lên, giai đoạn 2016 - 2019, GRDP của thành phố tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% thu ngân sách cả nước. Riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, thành phố vẫn cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kép, kinh tế tăng trưởng 1,39%, thu ngân sách đạt hơn 371.000 tỷ đồng và vẫn đóng góp hơn 25% thu ngân sách quốc gia.

Về mục tiêu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Thành Phong, đến năm 2025 thành phố sẽ trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD.

Đến năm 2030 thành phố sẽ trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong 10-15 năm nữa Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là một trong những thành phố hiện đại, phát triển nhanh và năng động nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương. Thành phố sẽ vươn lên trở thành một trung tâm đa chức năng; trong đó nổi bật là một trung tâm tài chính của khu vực và vươn tầm quốc tế. Thành phố sẽ trở thành thành phố toàn cầu, với đời sống kinh tế thành phố gắn chặt với đời sống kinh tế thế giới, là cửa ngõ giao lưu quan trọng nhất của Việt Nam với bên ngoài.

* Tìm giải pháp đột phá

Tuy Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế nhưng theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, tỷ trọng trong một số ngành và lãnh vực như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ tín dụng ngân hàng, thu hút đầu tư... đều giảm dần, đặc biệt là giảm năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đóng góp hơn 1/5 GDP và gần 30% ngân sách của cả nước.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Cơ cấu kinh tế không khai thác được thế mạnh về địa kinh tế, việc xây dựng đô thị vẫn theo kiểu “hướng tâm” và phát triển theo “vết dầu loang”, thậm chí chưa hình thành trọn vẹn được một đường vành đai nào, gây khó khăn không chỉ vấn đề giao thông đi lại mà còn là trở lực trong việc khai các thế mạnh về cảng biển, logictics trên địa bàn.

Vì thế vấn đề đặt ra cho bài toán phát triển bền vững của một “siêu đô thị” Thành phố Hồ Chí Minh là phải xem quan điểm và định hướng kinh tế thành phố là kinh tế đô thị. Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phải gắn với phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; trong đó thành phố là hạt nhân phát triển của vùng. Vì vậy, cần hình thành cơ cấu kinh tế Vùng thay cho cơ cấu kinh tế tỉnh và phải có sự đổi mới mang tình đột phá về tư duy.

“Trong 10 năm tới, phải phát triển kinh tế thành phố trên nền tảng công nghệ số với thế mạnh về 9 nhóm ngành dịch vụ và 4 nhóm ngành công nghiệp và sản phẩm chủ lực. Cùng với đó là có chính sách và giải pháp mang tính đột phá về hạ tầng giao thông kết nối vùng, cần có một mô hình quản lý đô thị phù hợp để phát huy cao nhất thế mạnh về vị trí và vai trò của thành phố”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nêu quan điểm.

Dưới góc độ chuyên gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Luân, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế và hiện thực hóa bức tranh tổng quát phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố cần chuyển đổi một các mạnh mẽ mô hình tăng trưởng sang chiều sâu, duy trì tốc độ tăng trưởng 8%/năm giai đoạn 2021 – 2030. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng bền vững; trong đó, tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại, logistics. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển mạnh kinh tế tư nhân, khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, thiên nhiên.

Để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Mai Ước, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm bốn khía cạnh chính là hoạch định chiến lược, xây dựng cấu trúc thể chế, ban hành - thực hiện chính sách và phát triển nền tảng công nghệ. Mặt khác việc xây dựng đô thị thông minh cần thực hiện một cách bài bản theo quy hoạch, xác định được những trụ cột chính cần được ưu tiên, chú trọng phát triển mối quan hệ hợp tác 3 nhà (nhà nước - doanh nghiệp - nhà khoa học) cũng như phát huy vai trò của người dân.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự An, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, để trở thành siêu đô thị toàn cầu, Thành phố Hồ Chí Minh cần có ưu tiên chiến lược trong đó có việc chuyển qua ngành dịch vụ, xác định động lực phát triển trong thời gian tới là năng suất, phát triển doanh nghiệp tư nhân nội địa, tạo sức cạnh tranh nội địa. Cùng với đó là phát triển hạ tầng, hình thành các cụm ngành then chốt, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2030 – 2045 không chỉ đơn thuần là điện, đường, trường, trạm mà là cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, truyền thông, khả năng chia sẻ, bảo mật dữ liệu. Việc hội nhập quốc tế giữ vai trò quan trọng nhưng thành phố phải xem nội lực là then chốt. Thành phố cũng sẽ phải cải cách mạnh mẽ về thể chế, môi trường đầu tư, trở thành “đất lành” cho người dân và “lót ổ” đón “đại bàng” doanh nghiệp đến với mình”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự An nêu ý kiến./.

Trần Xuân Tình/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phat-trien-kinh-te-tp-hcm-tren-nen-tang-cong-nghe-so/194576.html