Phát triển kinh tế từ '2 bắp+1 lúa'

Hồng Phương

BPO - “Hình thành vùng xen canh giữa cây bắp (ngô) và cây lúa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất; đưa bắp trở thành cây trồng chủ lực của xã; mở hướng phát triển bền vững cho việc tái cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã trong tương lai. Đó là định hướng lãnh đạo xã Đăng Hà đang hướng đến nhằm cải thiện kinh tế người dân và góp phần phát triển phong trào nông thôn mới trên địa bàn” - ông Lục Đức Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng cho biết.

Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây bắp, 2 năm trở lại đây, xã Đăng Hà đã bắt đầu hình thành những vùng xen canh giữa cây bắp và cây lúa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Chính quyền và Hội Nông dân xã từng bước vận động người dân chủ động chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp theo hình thức trồng xen canh từ 3 vụ lúa truyền thống sang 1 vụ lúa, 2 vụ bắp. Mục tiêu hướng đến là hình thành vùng chuyên canh, xen canh bắp nhằm giải bài toán phát triển kinh tế cho địa phương.

TRỒNG THỬ, “ĂN” THIỆT

Đến xã Đăng Hà những ngày này, giữa bốn bề mênh mông cánh đồng lúa dài bất tận hiện lên những cánh đồng bắp lai đang thời kỳ sinh trưởng, phát triển xanh mơn mởn. Chủ nhân của các ruộng bắp ấy lại là những lão nông đã quá nửa cuộc đời gắn bó với cây lúa.

Để giúp những nông hộ tiên phong trong thực hiện chuyển đổi cây trồng từ lúa sang bắp đạt hiệu quả kinh tế cao, chính quyền xã Đăng Hà luôn đồng hành và có những chính sách hỗ trợ kịp thời

Để giúp những nông hộ tiên phong trong thực hiện chuyển đổi cây trồng từ lúa sang bắp đạt hiệu quả kinh tế cao, chính quyền xã Đăng Hà luôn đồng hành và có những chính sách hỗ trợ kịp thời

Gia đình ông Đinh Quang Hiệp ở tổ 4, thôn 2 là một trong những hộ tiên phong thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, xen canh trên địa bàn. Ban đầu, ông Hiệp chỉ trồng thử nghiệm tại khu vực đồng ruộng trũng của gia đình. Sau đó, nhận thấy hiệu quả từ cây bắp đem lại, ông dần mở rộng diện tích. Sau 2 năm áp dụng hình thức xen canh 2 vụ bắp, 1 vụ lúa theo chủ trương của xã, ông nhận thấy đây là hướng phát triển kinh tế phù hợp, nên nhân rộng tại địa phương. “Cây lúa cần nhiều nước nhưng cây bắp thì không. Cây bắp cũng ít sâu bệnh, cần ít phân bón. Trồng bắp không chỉ cho hạt mà còn có thể dùng thân cây làm thức ăn nuôi trâu, bò, dê... Giá bắp cũng ổn định” - ông Hiệp chia sẻ.

Đăng Hà hiện có gần 300 ha bắp sinh khối được trồng theo hình thức xen canh. Năng suất cây bắp bình quân từ 8 tạ đến 1 tấn/sào. Giá bán bắp những năm vừa qua luôn duy trì ở mức ổn định, từ 8.000-10.000 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi.

Là một trong những hộ gắn bó lâu năm với cây bắp cao sản, ông Trần Văn Dũng ở tổ 1, thôn 4 cho rằng, so với cây lúa thì khi trồng bắp trên đất trũng, ngập úng sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. “Do khu đất nhà tôi thường xuyên bị ngập úng nên không thể trồng cây ăn trái. Vì vậy, tôi đã chọn bắp là cây trồng chính. Theo tôi, so với cây lúa thì cây bắp dễ trồng hơn, dễ thu hoạch, năng suất và giá bán cũng cao hơn” - ông Dũng cho biết.

HƯỚNG ĐẾN VÙNG CHUYÊN CANH BỀN VỮNG

Dẫn chúng tôi tham quan khu vực trồng bắp ở thôn 2, xã Đăng Hà, ông Chu Văn Tín, Bí thư Chi bộ thôn 2 vui vẻ chia sẻ: Thôn 2 có 50% diện tích đất trồng lúa nước thích hợp trở thành vùng xen canh cây bắp. Hiện chi bộ và đoàn thể thôn đã tuyên truyền, vận động người dân về chủ trương chuyển đổi cây trồng, xen canh của xã. Chúng tôi chứng minh hiệu quả bằng những việc làm cụ thể để bà con tham khảo. Bên cạnh đó, để nông dân thôn 2 nói riêng và xã Đăng Hà nói chung đồng lòng thực hiện rất cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước về giống, khoa học, kỹ thuật… như vậy thì chủ trương của xã sẽ được triển khai thực hiện nhanh hơn.

Những cánh đồng lúa ở xã Đăng Hà đang dần được thay thế bằng những đồng bắp xanh tốt, năng suất cao

Những cánh đồng lúa ở xã Đăng Hà đang dần được thay thế bằng những đồng bắp xanh tốt, năng suất cao

Đặc thù của Đăng Hà là xã thuần nông. Trong đó, bà con có truyền thống canh tác lúa nước. Trước mắt, địa phương đã hướng một số người dân, đặc biệt là những người có uy tín làm trước. Và khi nông dân thấy hiệu quả sẽ chuyển đổi theo. Dự kiến, Đăng Hà sẽ có ít nhất 600 ha lúa nước thích hợp thực hiện vùng trồng xen canh cây bắp - cây lúa. Ngoài ra, còn có hơn 100 ha đất trồng cây hằng năm, rau, củ, quả và hơn 2.300 ha trồng cây lâu năm.

Những hộ trồng bắp xã Đăng Hà kỳ vọng vào mùa vụ mới đạt năng suất, chất lượng cao

Những hộ trồng bắp xã Đăng Hà kỳ vọng vào mùa vụ mới đạt năng suất, chất lượng cao

“Địa phương đã liên hệ xã bạn Đắc Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai để tạo điều kiện cho nông dân tập huấn kỹ thuật chuyên canh và trồng cây bắp khi có lớp. Song song đó, từng bước làm việc với các doanh nghiệp về quy trình bao tiêu sản phẩm từ việc cung ứng giống, kỹ thuật đến đầu ra” - ông Lục Đức Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hà cho hay.

Đối với đầu ra, trước mắt địa phương đã định hình thành lập tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, chuyên canh trồng cây bắp và lúa. Trong tương lai, tổ hợp tác sẽ phát triển thành hợp tác xã nông nghiệp. Lãnh đạo xã Đăng Hà xác định cây bắp sẽ giúp xã giải bài toán phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy địa phương ngày càng phát triển.

Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hà LỤC ĐỨC LẬP

Hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp trong nông nghiệp đang được chính quyền, ngành nông nghiệp cả nước khuyến khích, nghiên cứu mô hình. Trong đó, có chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp. Chính điều đó đã trở thành động lực lớn để xã Đăng Hà quyết tâm thực hiện chuyển đổi cây trồng, xây dựng vùng xen canh cây bắp và lúa.

Để phát triển cây bắp bền vững trong tương lai, theo chính quyền xã Đăng Hà, đầu ra ổn định và hệ thống hạ tầng là những vấn đề trọng tâm trong hành trình chuyển đổi cây trồng tại địa phương. Song song đó, Đăng Hà cũng định hướng nâng cao giá trị gia tăng từ cây bắp bằng việc phát triển đàn bò sữa tại địa phương để tận thu nguồn phụ phẩm từ cây bắp.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/148790/phat-trien-kinh-te-tu-2-bap-1-lua