Phát triển kinh tế từ làng nghề truyền thống

Phát triển kinh tế nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Thành ủy Hà Nội khóa XVII chỉ rõ trong Chương trình số 04-CTr/TU về 'Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025'. Để thực hiện nhiệm vụ này, Hà Nội đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống.

Người dân xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) phát triển kinh tế từ nghề truyền thống mây, tre, giang đan. Ảnh: Đỗ Tâm

Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân

Xã Hoàng Long thuộc vùng chiêm trũng của huyện Phú Xuyên, người dân ở đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Để nâng cao đời sống cho người dân, xã đã tập trung phát triển nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới, thúc đẩy hoạt động dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Đến nay, xã đã có 4 làng được công nhận là làng nghề truyền thống gồm: Làng nghề bánh kẹo thôn Cổ Đường, làng nghề mây, tre đan thôn Nhị Khê và Kim Long Trung, làng nghề xây dựng thôn Kim Long Thượng.

Chủ tịch UBND xã Hoàng Long Đào Đức Hội cho biết: Thu nhập bình quân của một lao động làng nghề từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp. Riêng thôn Cổ Đường có gần 100 hộ chuyên sản xuất kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi, chè lam. Nhiều hộ đã đưa máy móc vào các công đoạn sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tương tự, tại huyện Thường Tín, nhiều làng nghề đã trở thành điểm tựa để phát triển kinh tế nông thôn. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng cho biết: Thường Tín có 126 làng nghề (trong đó có 1 làng nghề tiêu biểu cấp thành phố, 48 làng nghề truyền thống) với 16.000 cơ sở sản xuất và hàng trăm doanh nghiệp tư nhân. Làng nghề tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 40.000 lao động địa phương.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, thành phố Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó 313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Ước tính, tổng doanh thu của các làng nghề đạt 22.000 tỷ đồng/năm. Một số làng nghề như: Điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng, chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai (huyện Hoài Đức), cơ khí Phùng Xá, mộc Hữu Bằng (huyện Thạch Thất)... doanh thu đạt từ hơn 1.000 tỷ đồng/năm đến gần 3.000 tỷ đồng/năm... Tại các làng nghề phát triển, thu nhập của người dân rất cao.

Tuy nhiên, việc phát triển nghề và làng nghề ở Hà Nội còn một số hạn chế. Trong đó, hoạt động sản xuất ở nhiều làng nghề mang tính tự phát, phân tán, thiếu bền vững; quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến việc đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến còn khó khăn...

Khơi dậy tiềm năng, lợi thế

Khắc phục những hạn chế, tồn tại, tiếp tục phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, thúc đẩy kinh tế nông thôn, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã chỉ ra các mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Hà Nội sẽ công nhận thêm hơn 50 làng nghề, nghề truyền thống; có ít nhất 100 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Hà Nội sẽ quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Đồng thời thành phố sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng đối với các cụm công nghiệp làng nghề hiện có và đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp mới để thu hút các hộ sản xuất, doanh nghiệp vào hoạt động. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển các làng nghề gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố giai đoạn 2021-2025; qua đó, đưa các sản phẩm làng nghề vào quy chuẩn, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế... Thành phố sẽ hỗ trợ xây dựng tại mỗi huyện, thị xã ít nhất một trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP làng nghề...

Để phát huy lợi thế làng nghề, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Ngọc Lâm cho biết: Huyện đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội bố trí mặt bằng sản xuất cho các làng nghề tại 10 cụm công nghiệp như: Cụm công nghiệp Đông Phú Yên (51,83ha), Đông Sơn (4,84ha), Đại Yên (1,4ha)... Hiện tại huyện Chương Mỹ đang kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng 3 cụm công nghiệp là: Đông Phú Yên, Lam Điền, Thụy Hương nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Còn tại huyện Phú Xuyên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Vĩnh, toàn huyện có 154/154 làng, cụm dân cư có nghề, trong đó có 43 làng nghề được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Nhằm khơi dậy tiềm năng, huyện đang tập trung xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề để tạo mặt bằng sản xuất, giúp các làng nghề phát triển bền vững.

Triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, các cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương đang thúc đẩy nhiều giải pháp khơi dậy tiềm năng, lợi thế để làng nghề phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/995250/phat-trien-kinh-te-tu-lang-nghe-truyen-thong