Phát triển kinh tế từ nghề mộc truyền thống
Năm 2009, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê nhà, anh Trịnh Đình Năng (xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn) quyết chí làm giàu bằng nghề mộc truyền thống của gia đình. Với đôi bàn tay khéo léo cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự nỗ lực của bản thân và đồng hành của tổ chức Đoàn các cấp, anh Năng đã phát triển nghề mộc giúp cuộc sống gia đình ngày càng sung túc.
Dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng sản xuất rộng hơn 100m2, anh Năng tâm sự: Học xong cấp 3, tôi đi nghĩa vụ quân sự. Môi trường quân đội đã giúp rèn luyện ý chí và sự kỷ luật cho tôi.
Năm 2009, khi trở về quê hương, tôi tham gia hoạt động Đoàn tại địa phương, đồng thời tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Phát huy lợi thế từ nghề mộc là nghề truyền thống của gia đình, mặt khác các sản phẩm đồ gỗ luôn được thị trường ưa chuộng vì vậy tôi quyết tâm phát triển kinh tế từ chính ngành nghề truyền thống này.
Nhớ lại thời kỳ đầu khởi nghiệp, anh Năng gặp rất nhiều khó khăn, đầu tiên là về kỹ thuật. Mặc dù là nghề truyền thống của gia đình, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã được bố chỉ dạy về nghề mộc, thế nhưng những kỹ thuật chuyên sâu và mẫu mã sản phẩm ngày một thay đổi khiến anh mất khá nhiều thời gian để vừa làm vừa học. Anh tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet để nắm bắt mẫu mã, kiểu dáng cũng như tham khảo kỹ thuật mới của người cùng làm nghề.
Anh Trịnh Đình Năng và bố trao đổi về kỹ thuật nghề mộc. Ảnh: Anh Tuấn
Anh Năng cho biết thêm: Khi ấy, quy mô xưởng của gia đình còn nhỏ, lại thiếu vốn đầu tư máy móc, thiết bị, sản phẩm tôi làm ra chủ yếu dựa trên đơn đặt hàng của anh em họ hàng và một số người dân trong xã. Do chịu khó làm ăn, tích lũy được chút vốn cộng thêm nguồn vay ưu đãi từ tổ chức Đoàn thanh niên, tôi mạnh dạn đầu tư cải tạo nhà xưởng, mua các loại máy móc và nguồn nguyên vật liệu phục vụ nhu cầu sản xuất như máy cưa, máy cắt loại lớn... với tổng chi phí khoảng 150 triệu đồng.
Các sản phẩm đồ gỗ của anh Năng chủ yếu là thiết bị dân dụng như: cửa, bàn trà, bàn ghế ăn, tủ... Chất liệu gỗ được sử dụng chủ yếu là gỗ xoan ngâm hoặc tùy theo yêu cầu đặt riêng của khách như lim, hương... để sản xuất.
Nhờ sự tỉ mỉ trong từng chi tiết, các sản phẩm gỗ của anh đã đáp ứng thị hiếu, nhu cầu ngày càng cao của thị trường, không chỉ phục vụ người dân trên địa bàn xã mà cả khách hàng ở các địa phương lân cận. Với việc đầu tư đúng hướng, đến nay xưởng sản xuất đồ gỗ của anh đã đi vào hoạt động ổn định. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Nói về định hướng trong thời gian tới, anh Năng cho biết sẽ tập trung phát triển sản xuất như: đầu tư mở rộng nhà xưởng, xây dựng cửa hàng trưng bày sản phẩm để tiếp cận thêm khách hàng. Từ đó góp phần phát triển nghề mộc, thu hút thanh niên địa phương tham gia làm nghề.
Anh chia sẻ: Tôi muốn nghề mộc ngày càng phát triển, giúp tăng thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho thanh niên địa phương, giúp họ tránh xa các tệ nạn xã hội, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.