Phát triển kinh tế tư nhân: Loại bỏ gánh nặng thủ tục

Kinh tế tư nhân đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong những năm gần đây là hỗ trợ và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, để đạt được kỳ vọng, các chuyên gia khuyến nghị nên loại bỏ những gánh nặng thủ tục rườm rà, phức tạp.

Tín hiệu tích cực

Theo ghi nhận của ông Raymond Mallon - cố vấn kinh tế Chương trình Aus4Reform tại Việt Nam, tăng trưởng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân đã đạt được những con số ấn tượng, lên đến 50 - 60% mỗi năm, trong khi khối nhà nước tăng 2,5% và đầu tư nước ngoài khoảng 7%. Đây là kết quả thực sự khác biệt trong vòng 2 thập kỷ qua, khi khối đầu tư nước ngoài luôn đóng vai trò chủ lực trong tăng trưởng kinh tế đất nước. Do đó, sự tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân đang mang lại những tín hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam.

Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp

Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp

Đánh giá về nhân tố tạo nên động lực phát triển khối kinh tế tư nhân, ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam - cho rằng, trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của WB. Cụ thể, Việt Nam đã đạt kết quả ấn tượng, từ thứ hạng 100 lên 70, tăng 30 bậc.

Tuy nhiên, 2 năm qua, mặc dù điểm số Việt Nam có tăng nhưng thứ hạng lại không được cải thiện. Do đó, đã đến lúc cần đẩy nhanh quá trình cải cách, giúp môi trường kinh doanh thông thoáng và thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân. “Tôi vẫn đặt niềm tin rằng, Chính phủ Việt Nam đang có những thay đổi, cải thiện và đẩy nhanh quá trình cải cách để có thể nâng hạng trong bảng xếp hạng Doing Business của WB” - ông Jacques Morisset bày tỏ.

Cần cơ chế thông thoáng

Để hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (DN) với tỷ trọng đóng góp GDP đạt khoảng 50%; năm 2025, có ít nhất 1,5 triệu DN, đóng góp GDP khoảng 55% và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN, đóng góp GDP khoảng 60 - 65%, Việt Nam nên có những chương trình mạnh mẽ hơn với các biện pháp hỗ trợ DN, tạo điều kiện thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, một trong những trở ngại đáng quan tâm hiện nay là, DN tư nhân vẫn quy mô nhỏ, được coi là “chậm lớn”. Hiện, có đến 96% là DN nhỏ và vừa, chỉ có 2% thuộc quy mô vừa. Hơn nữa, ngoài khoảng 600 nghìn DN hiện có, còn khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể nhưng vẫn “giậm chân tại chỗ”, không chuyển đổi thành DN như nhà nước mong muốn. “Để kinh tế tư nhân phát huy đầy đủ tiềm năng, thế mạnh, cần rất nhiều sự cố gắng của từng DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh tư nhân cũng như những cải cách trong thể chế và đổi mới hoạt động của bộ máy nhà nước” - ông Long nhấn mạnh.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, việc xây dựng hành lang pháp lý đưa các hộ kinh doanh vào Luật Điều chỉnh DN sẽ đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn. Tuy nhiên, để khuyến khích 5 triệu hộ kinh doanh lên thành DN không dễ, dù chuyển đổi sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho DN. Bà Vũ Hương Quỳnh - Giám đốc Công ty TNHH Ả Đào LOCAL (Hà Nội) - cho rằng, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên thành DN cần thực hiện khá nhiều thủ tục, rất mất thời gian. Để tạo động lực cho các hộ kinh doanh chuyển đổi, nhà nước cần đưa ra những cơ chế thông thoáng, dễ áp dụng, sẽ được người dân hưởng ứng.

Nhà nước cần có những chính sách thiết thực trong phân bố nguồn lực để khuyến khích DN tư nhân mở rộng quy mô, tăng cường liên doanh, liên kết, tăng thêm sức mạnh cho nền kinh tế.

Đỗ Nga - Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-loai-bo-ganh-nang-thu-tuc-138305.html