Phát triển kinh tế từ nuôi gà Ai Cập
Theo giới thiệu của lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, chúng tôi đã đến tham quan mô hình trang trại của chị Phạm Thị Thu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Yên Ninh, người đã biến vùng đất trồng lúa kém hiệu quả thành trang trại nuôi gà Ai Cập lông trắng cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ nắm vững kỹ thuật và được đầu tư bài bản, mô hình nuôi gà Ai Cập lông trắng với hơn 6.000 con của chị Thu đang cho hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, chị Phạm Thị Thu làm nhiều công việc khác nhau như: cấy ruộng, phụ hồ…, tuy nhiên những công việc này thường vất vả, thu nhập lại không cao. Trăn trở tìm hướng mới để phát triển kinh tế, chị nhận thấy mô hình nuôi gà Ai Cập có tiềm năng đem lại hiệu quả cao, năm 2017, chị bắt đầu tìm hiểu và quyết định chuyển hướng sang nuôi gà Ai Cập lông trắng. Chị mạnh dạn vay vốn đầu tư, cải tạo đất, xây dựng chuồng trại nuôi gà Ai Cập trên diện tích 600m2 với số lượng nuôi ban đầu 1.000 con.
Chị Thu cho biết: Giống gà này nhiều thịt, cho năng suất đẻ trứng cao, sức đề kháng, khả năng chống chịu bệnh tốt... Tuy nhiên, thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, trang trại của chị gặp không ít khó khăn dẫn đến gà bị bệnh, phải tiêu hủy một số lượng lớn. Không nản chí, chị chịu khó tìm hiểu và học hỏi từ nhiều kênh thông tin khác nhau, dần dần tìm hướng khắc phục.
Nhờ chịu khó ham học hỏi, chị Thu tự trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức cũng như kỹ thuật chăn nuôi giống gà Ai Cập lông trắng; trong đó, đặc biệt, chú trọng khâu chọn giống. Bên cạnh việc nhập giống ở những nơi uy tín, chất lượng, kỹ thuật chăm sóc cho đàn gà cũng được chị quan tâm rất kỹ càng. Không chỉ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc – xin đúng định kỳ, hệ thống chuồng trại nuôi gà cũng được chị Thu thiết kế thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Ngoài ra, chị còn lót trấu, rải men vi sinh, nhờ đó toàn bộ phân gà thải ra được vi khuẩn phân giải, giảm thiểu công vệ sinh chuồng trại. Định kỳ hằng tuần chị Thu dọn dẹp vệ sinh để chuồng trại luôn thoáng mát, sạch sẽ. Cứ 2 tháng/lần chị lại tiến hành thay toàn bộ trấu mới bảo đảm an toàn cho đàn gà. Trước khi nuôi lứa mới, chị Thu thường để chuồng trống từ 1 – 1,5 tháng thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Để tăng sức đề kháng cho đàn gà, chị Thu bổ sung thêm các vitamin, men vi sinh… cho gà qua đường nước.
Áp dụng quy trình chăn nuôi theo đúng kỹ thuật, nguồn thức ăn và nước uống cũng được chị Thu kiểm soát ngay từ đầu vào đã giúp đàn gà phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh. Khi gà được 60 ngày tuổi chị bắt đầu cho ăn hạn chế để tránh tình trạng gà quá béo làm giảm tỷ lệ đẻ trứng, đồng thời hãm không cho gà đẻ sớm. Chị Thu cho biết, giống gà này nuôi khoảng 4 tháng có thể đẻ trứng, từ tháng thứ 5 sẽ là giai đoạn đẻ nhiều, đây là thời điểm chị bắt đầu xuất bán gà tơ. Việc lựa chọn kinh doanh gà tơ là hướng chăn nuôi phù hợp, hiệu quả, lại tránh được những rủi ro về dịch bệnh bất ngờ. Mỗi con gà chị bán ra có giá dao động từ 80 – 120 nghìn đồng/con. Thị trường tiêu thụ gà của gia đình chị chủ yếu là khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Mô hình nuôi gà Ai Cập lông trắng đã giúp gia đình chị Phạm Thị Thu có nguồn thu nhập ổn định 350 triệu/ năm. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, chị Thu còn nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm cho bà con có nhu cầu học hỏi về kỹ thuật nuôi gà Ai Cập. Trong thời gian tới, chị Thu mong muốn mở rộng được quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ nhu cầu thị trường.
Bà Trần Lệ Quyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Mộc Nam cho biết: Chị Phạm Thị Thu thường xuyên tham gia và có đóng góp tích cực vào các hoạt động, phong trào của hội. Có thể nói chị Thu là một tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động, sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Những thành quả chị đạt được trong ngày hôm nay đã góp phần tô điểm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, xứng đáng để các hội viên phụ nữ học tập, noi theo.