Phát triển kinh tế từ nuôi gà thả vườn

Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh Lê Văn Quang (SN1991) ở ấp An Sơn, xã Thanh An, huyện Hớn Quản lại được mọi người biết đến là người chăn nuôi gà thả vườn giỏi với quy mô lớn nhất, nhì xã. Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giá gà thương phẩm xuống thấp, nhưng nhờ chăn nuôi khoa học với quy mô lớn nên bình quân mỗi tháng anh vẫn xuất bán từ 2.000-3.000 con gà, thu lãi hàng chục triệu đồng. Hiện mô hình nuôi gà của anh Quang đang được nhiều thanh niên trong và ngoài xã đến tìm hiểu, học hỏi.

Sau thời gian dài tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn, đầu năm 2018, anh Quang cùng anh trai Lê Văn Tuyên đầu tư 400 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại và mua 3.000 con gà về nuôi. Với nhiều người, việc bỏ ra hàng trăm triệu đồng chăn nuôi gà là khá mạo hiểm, nhưng với anh Quang mọi sự đầu tư đều có tính toán vì đất đai khu vực anh sinh sống không phù hợp để trồng trọt. “Lúc trước, gia đình tôi trồng tiêu, điều, cà phê, nhưng đều không hiệu quả. Qua nhiều lần đi tìm hiểu, học hỏi từ những mô hình sản xuất tiêu biểu, tôi nhận thấy chăn nuôi gà thả vườn là phù hợp nên chủ động đầu tư sản xuất. Giống gà Minh Dư tôi đang nuôi có ưu điểm nhanh lớn, ít bệnh, chất lượng thịt thơm ngon và dai như gà ta. Lợi thế của nuôi gà là thời gian chăm sóc ngắn nên xoay vòng vốn nhanh” - anh Quang chia sẻ.

Anh Lê Văn Quang ở ấp An Sơn, xã Thanh An, huyện Hớn Quản chăm sóc gà con (giai đoạn úm)

Chưa đầy 2 năm sau ngày khởi nghiệp chăn nuôi, hiện đàn gà của anh Quang có 17.000 con, được nuôi trong 6 trại lớn, nhỏ khác nhau. Gà con từ khi nuôi đến lúc xuất bán khoảng 100 ngày, trọng lượng đạt từ 1,8-2,2kg/con tùy theo trống, mái. Để đảm bảo đầu ra ổn định, anh phân thành nhiều lứa gà, sao cho bình quân mỗi tháng bán từ 2.000-3.000 con gà thương phẩm, giá dao động từ 50-55 ngàn đồng/kg. Anh Quang cho rằng, nuôi gà thả vườn là một trong những hình thức nuôi có chi phí rất cao. Nếu giá gà duy trì ở mức trên 50 ngàn đồng/kg thì người nuôi mới có lãi. Nhờ số lượng đàn lớn, lại chăn nuôi đúng kỹ thuật nên tỷ lệ gà hư hao thấp, bình quân mỗi tháng anh thu về 35-45 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí.

Nói về kinh nghiệm nuôi, anh Quang cho biết, nếu người nuôi không nắm rõ kỹ thuật, chọn con giống không phù hợp thì hiệu quả gần như bằng không, thậm chí thua lỗ nặng. Gà con mới đưa về phải nhốt riêng và úm trong 3 tuần với nhiệt độ phù hợp trước khi thả ra ngoài nuôi. Để đảm bảo hiệu quả, quan trọng nhất là khâu chăm sóc, nông dân cần thường xuyên sát trùng chuồng trại và hạn chế người qua lại để hạn chế mầm bệnh phát sinh. Ngoài ra, việc xây dựng chuồng trại tự động hóa sẽ giảm đáng kể chi phí cho người nuôi.

Hiện xã Thanh An có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trong thanh niên, đã và đang thu hút ngày càng đông các bạn trẻ tham gia và học hỏi, như: Nuôi vịt xiêm, làm giá đỗ, trồng dưa lưới... Chị Thị Bé Lan, Bí thư Đoàn xã Thanh An cho biết: Mô hình chăn nuôi gà của anh Quang hiện là mô hình tiêu biểu của tuổi trẻ địa phương do có nhiều ưu thế, như thời gian nuôi ngắn, diện tích nuôi nhỏ, xoay vòng vốn nhanh, hiệu quả kinh tế khá cao... Đây là địa chỉ tin cậy, khá phù hợp cho thanh niên trong xã học tập, trao đổi kinh nghiệm, từ đó mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.

Điểu Vĩnh

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/phat-trien-kinh-te-tu-nuoi-ga-tha-vuon-5269