Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa
Đây là chủ đề của Hội thảo quốc tế thường niên do Học viện Tài chính phối hợp với Đại học Greenwich (Vương Quốc Anh), Viện Kinh tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Trường Đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đồng tổ chức, sáng 06/9.
Hội thảo quốc tế “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” lần thứ bảy (SEDBM7) thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, giảng viên các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế. Từ 130 bài viết của các nhà khoa học trong và ngoài nước gửi về, Ban tổ chức Hội thảo đã lựa chọn 120 bài viết có chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu để đăng kỷ yếu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS. Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính nhấn mạnh: Tình hình thế giới trong những năm gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu thế lớn của thời đại nhưng đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gia tăng toàn diện, kinh tế thế giới suy giảm, an ninh phi truyền thống và các vấn đề toàn cầu cấp bách ngày càng khó đối phó, khó kiểm soát, tác động sâu sắc tới toàn cầu.
Hiện nay, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề kinh tế và mâu thuẫn xã hội. Chính sách thương mại phục vụ cho quản trị trong nước và nền kinh tế trong nước cũng tác động đáng kể đến việc lựa chọn chính sách kinh tế của các quốc gia. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay thì bảo đảm việc làm là ưu tiên hàng đầu của hầu hết chính phủ các quốc gia trong thời gian tới.
“Có thể nói, những xu hướng phát triển trên thế giới đang diễn ra sẽ tác động không nhỏ đến các quốc gia và khu vực, tạo ra cơ hội để phát triển, nhưng cũng mang đến không ít khó khăn, đòi hỏi mỗi quốc gia lựa chọn phương thức ứng phó phù hợp trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi”, PGS,TS. Nguyễn Mạnh Thiều đánh giá.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn quyết định “cất cánh” để trở thành nước công nghiệp. Với chiến lược phát triển sáng tạo, khả năng sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nền tảng đối ngoại đã được phát triển trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam hoàn toàn có thể “cất cánh” thành công. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, ý chí tự cường, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hoàn thiện thể chế và phát triển khoa học và công nghệ là “chìa khóa” của thành công.
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao. Mục tiêu đó được triển khai trong bối cảnh quốc tế có nhiều mặt không thuận, đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam trong huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tập trung cho mục tiêu phát triển.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao và mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới… nên cần có các giải pháp để tận dụng các cơ hội mang lại cũng như vượt qua các thách thức.
PGS,TS. Nguyễn Mạnh Thiều nhấn mạnh, Việt Nam cần phải nâng cao, hoàn thiện môi trường kinh tế, đầu tư, kinh doanh thì mới thu hút được đầu tư. Đồng thời, phải có đột phá về chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế sẽ cần phải hướng đến chất lượng cao hơn và bền vững hơn, đáp ứng được các yêu cầu mới đặt ra.
Hội thảo SEDBM7 gồm các phiên: Khai mạc, Phiên toàn thể, Phiên thảo luận chuyên đề và Kết luận. Tại Phiên toàn thể, các diễn giả đã trình bày về nội dung: Lợi nhuận giao dịch nội gián và hiệu suất phát thải carbon - GS. Grantley Taylor, Trường Kinh doanh Curtin (CBS); Hành vi tiêu dùng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sản xuất và tiêu dùng bền vững - TS. Nga Nguyễn, Đại học West Scotland, Vương quốc Anh; Cách tiếp cận thay thế để hỗ trợ tài chính thực hành tuần hoàn của các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ: quan điểm lý thuyết hoạt động - PGS. Maggie Xiaowen Gao, Đại học Greenwich.
Hội thảo có 2 phiên thảo luận chuyên đề về các nội dung:
Tài chính cho phát triển bền vững: Tác động của các yếu tố tài chính và phi tài chính đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại niêm yết tại Việt Nam; Dự báo lãi suất trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường quốc tế bằng mô hình CIR; Phân tích các mô hình tài chính xanh thành công trên thế giới và đề xuất mô hình cho Việt Nam; Mối quan hệ giữa tham nhũng, chia sẻ thông tin tín dụng và phát triển tài chính: Bằng chứng toàn cầu.
Phát triển kinh tế, quản trị, kế toán trong bôi cảnh toàn cầu hóa: Xác định các chiều hướng để đo lường chất lượng hậu cần ngược trong thương mại điện tử bằng phương pháp đánh giá tài liệu có hệ thống; Giải pháp hoàn thiện công tác kế toán môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam; Vốn con người và tăng trưởng kinh tế: Bằng chứng toàn cầu; Các yếu tố tác động đến sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Thông qua các phiên thảo luận, nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đã chia sẻ kiến thức sâu và toàn diện về kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, qua đó đóng góp cho khoa học phát triển lý luận, giúp các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý cách nhìn mới, mô hình mới, giải pháp mới phù hợp với thực tiễn và tương lai của nền kinh tế Việt Nam.