Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Bằng nhiều nỗ lực chăm lo và hỗ trợ, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) xuống còn 4.338 hộ, chiếm 16,1% tổng số hộ DTTS trên địa bàn An Giang (giảm 5,38% so năm 2017). Ở những vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, hệ thống đường, trường học, điện, nước được đầu tư, đời sống đồng bào được nâng lên rõ rệt.
Phát triển du lịch truyền thống
Sau khi được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng điểm dừng chân cung ứng sản phẩm đường thốt nốt cùng các món đặc sản Khmer, cuộc sống gia đình chị Neáng Sa Mone cũng như hơn 20 hộ Khmer khác ở Làng nghề sản xuất đường thốt nốt xã Ô Lâm (thuộc ấp Phước Lợi, xã Ô Lâm, Tri Tôn) có nhiều thay đổi. “Nếu trước đây, mỗi hộ tự nấu đường rồi mang xuống chợ bán hoặc chờ thương lái đến thu gom thì từ khi có điểm dừng chân, sản phẩm đường thốt nốt của bà con được tập trung ra đây để tiêu thụ. Vị trí điểm dừng chân gần Khu du lịch đồi Tức Dụp nên lượng khách qua lại cũng khá. Ngoài bán tại chỗ, chúng tôi còn giao hàng đi các nơi theo yêu cầu” - chị Neáng Sa Mone chia sẻ.
Điểm dừng chân của gia đình chị Neáng Sa Mone dần tạo được uy tín với khách hàng, bởi cung cấp sản phẩm đường thốt nốt với thành phần 100% đường thốt nốt tự nhiên (không pha trộn thêm đường cát, hóa chất), xây dựng được thương hiệu đường thốt nốt “BN” (viết tắt từ “Bảy Núi”). Bên cạnh sản phẩm đường thốt nốt, nơi đây còn trưng bày, cung ứng các món ăn đặc sản nổi tiếng của đồng bào DTTS Khmer An Giang như: bánh bò thốt nốt, bánh ít, bánh cà tum, cốm dẹp… Các sản phẩm được du khách gần xa tin dùng, góp phần nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho người dân xã Ô Lâm - nơi có đến 98% dân số là đồng bào DTTS Khmer.
Ở làng Chăm Đa Phước (An Phú), làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu), từ sau khi được hỗ trợ tham gia các mô hình du lịch cộng đồng, cuộc sống của người Chăm được nâng lên rõ rệt. “Trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm, xà rông, khăn, áo, đồ thủ công truyền thống chủ yếu phục vụ cho cộng đồng Chăm thì nay trở thành sản phẩm du lịch, được du khách ưa chuộng. Tương tự, các món ăn truyền thống của người Chăm An Giang như: tung lò mò (lạp xưởng bò), cà ri - cơm nị, bánh bò nướng (bánh “năm-pa-răng”)… trở thành đặc sản phục vụ du khách. Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa truyền thống chẳng những giúp đồng bào DTTS Chăm có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn giúp bà con nơi đây mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Có không ít người Chăm đã vươn lên thành đạt” - ông Y Sa (người DTTS Chăm ở xã Đa Phước) bộc bạch.
Du lịch giúp nâng cao đời sống người Chăm
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần
Hàng năm, những dịp lễ hội, Tết truyền thống của các đồng bào DTTS trên địa bàn An Giang như: Tết Nguyên đán (đồng bào DTTS Hoa đón Tết như người Kinh); Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sene Dolta, Hội đua bò Bảy Núi (đồng bào DTTS Khmer); lễ Ramadan, Tết Royal Haji (đồng bào DTTS Chăm)... thì hình ảnh những đoàn lãnh đạo, đoàn đại biểu từ trung ương, tỉnh, huyện, xã đến thăm hỏi, chúc mừng đã diễn ra thường xuyên. Tại 66 điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer, các thánh đường, tiểu thánh đường của người Chăm, các hội tương tế người Hoa… đều nhận được quà tặng chúc mừng.
Ở vùng biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS dọc biên giới yên tâm làm ăn sinh sống. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Men Pholly cho biết, những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Những năm qua, tỉnh đều triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS như: Chương trình 135 (chủ yếu phát triển cơ sở hạ tầng vùng DTTS); Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn (áp dụng tại các huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú và Thoại Sơn). Ngày 12-10-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3038/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh An Giang. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã có 27 tổ chức phi chính phủ nước ngoài và tổ chức trong nước triển khai dự án, phi dự án, góp phần cải thiện cuộc sống đồng bào DTTS. Đối với 114 người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh (Khmer 82 người, Chăm 14 người, Hoa 16 người, Nùng 1 người, Mường 1 người), ngoài động viên, tặng quà, hỗ trợ thường xuyên, Ban Dân tộc tỉnh còn cấp phát miễn phí báo An Giang, báo Dân tộc phát triển để cập nhật thông tin, chủ trương, chính sách mới… Theo thống kê, hiện có 6.736 hộ DTTS được thụ hưởng chính sách (hộ Khmer chiếm khoảng 70%) với tổng kinh phí gần 118 tỷ đồng/năm để hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề… Hiện nay, 100% hộ DTTS đều được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế.
Ông Men Pholly cho biết, đến nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS được đầu tư xây dựng cơ bản, đáp ứng được nhu cầu thông thương trao đổi hàng hóa. Các công trình trạm y tế được nâng cấp, sửa chữa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tuyến cơ sở. Phần lớn các khóm, ấp nơi đồng bào DTTS sinh sống đều có nhà trẻ, trường mẫu giáo; các xã đều có trường tiểu học, THCS; học sinh, sinh viên DTTS nghèo đi học được cấp tập, vở và trợ cấp học phí. Nhà ở của đồng bào DTTS nghèo đã được xây mới và sửa chữa khang trang...
“Nhờ đồng bào DTTS biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên sản xuất dần phát triển, số hộ đủ ăn và khá, giàu ngày một tăng. Nhiều hộ trở thành những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, trong xây dựng đời sống văn hóa. Nhìn chung, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rõ rệt” - ông Men Pholly nhấn mạnh.