Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ dân trí
Để giữ gìn, phát huy giá trị tín ngưỡng, góp phần tạo nên môi trường nhân văn cho sự phát triển đời sống văn hóa, xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số, rất cần những giải pháp mang tính căn cơ, trong đó mấu chốt là phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ dân trí.
Tôn trọng và thúc đẩy đa dạng đức tin
Theo các chuyên gia, vấn đề dân tộc và tôn giáo, tín ngưỡng luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, liên quan tới các yếu tố chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, văn hóa của các tộc người cũng như của quốc gia. Do đó, trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, cần chú ý đến mối quan hệ cũng như sự tác động hữu cơ của hai vấn đề và các lĩnh vực này.
Một mặt, cần hướng tới bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Mặt khác cũng cần hết sức lưu ý làm sao để đồng bào lựa chọn đức tin phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của đời sống. Ở một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa như Việt Nam, rất cần tôn trọng và thúc đẩy sự đa dạng đức tin trong mỗi tộc người.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước chủ trương khôi phục các giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống nhằm tăng sức đề kháng cho văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập, mở cửa, giao lưu quốc tế. Nhờ đó, nhiều loại hình tín ngưỡng, trong đó có tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tế vẫn đòi hỏi cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chính quyền và người dân về tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Tiếp tục nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn hoạt động của các hiện tượng tôn giáo mới mang tính chất cực đoan, lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia…
TS. Lý Hành Sơn, Viện Dân tộc học cho rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng của tộc người thiểu số đòi hỏi nỗ lực từ hai phía. Nhà nước bảo đảm về chính sách, cơ chế quản lý linh hoạt, các thiết chế cơ sở phù hợp, hỗ trợ bảo tồn dạng tĩnh... Người dân vừa là chủ thể vừa là người thực hành các hình thức thờ cúng, các nghi lễ và lễ hội của tộc người mình, đồng thời còn là người quyết định việc duy trì hay chuyển đổi, thậm chí bỏ bớt chi tiết trong mỗi nghi lễ hoặc những nghi lễ không còn phù hợp với cuộc sống mới. Có điều đặc biệt lưu ý, những quyết định này phải dựa trên hiểu biết đầy đủ về giá trị, ý nghĩa của nghi lễ, tín ngưỡng đó. Bởi lẽ, thực tiễn công tác bảo tồn một số loại hình tín ngưỡng đã nảy sinh hai thái cực: hoặc bảo tồn cả những phong tục, tập quán lạc hậu; hoặc là bảo tồn không có “hồn”, xơ cứng.
Do đó, mấu chốt của bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, tín ngưỡng các tộc người là làm sao những giá trị văn hóa đó được thực hành trong đời sống, mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào; đồng thời bảo đảm những giá trị đó cũng luôn được bổ sung, làm giàu thêm bởi các giá trị mới phù hợp.
Để có cơ sở cho vấn đề này, nhiều ý kiến nhận định cần tiếp tục triển khai các chương trình biên dịch, nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống tín ngưỡng cổ truyền thông qua các hình thức thờ cúng và các nghi lễ, lễ hội của các tộc người nhằm xây dựng bức tranh tổng thể về hệ giá trị tín ngưỡng của các tộc người ở nước ta. Kết quả nghiên cứu sẽ là nhân tố quan trọng giúp các địa phương và các tộc người nâng cao ý thức gìn giữ những yếu tố tiêu biểu trong tín ngưỡng, các hình thức thờ cúng và lễ hội truyền thống…
Phát triển kinh tế - xã hội gắn với văn hóa
Có một thực tế là tộc người hay một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số sống ở những địa bàn khó khăn thì khả năng lưu giữ, thực hành các hình thức tín ngưỡng của tộc người càng phong phú. Tuy nhiên, đây cũng là “điểm yếu” để các thế lực thù địch và tôn giáo ngoại lai, tà đạo có thể lợi dụng, thực hiện ý đồ xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào cũng như các vấn đề an ninh, trật tự xã hội.
Giải pháp mang tính căn cơ là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ dân trí ở những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Khi người dân có cuộc sống ổn định, hiểu biết thì việc chọn lọc, duy trì, phát huy giá trị tín ngưỡng truyền thống rất thuận lợi, hạn chế tình trạng bị các tôn giáo ngoại lai lợi dụng.
Khi đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, tạo tiền đề cho đồng bào tiếp nhận những giá trị văn hóa mới, tiến bộ, phù hợp, đồng thời cũng nhận thức rõ hơn giá trị văn hóa tộc người cần được bảo tồn, phát huy.
Thực tế, phát triển kinh tế - xã hội cũng chính là điều kiện tiên quyết, tác động trực tiếp đến hoạt động văn hóa cơ sở. Nhìn lại những năm qua, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nhiều tỉnh miền núi đã đem lại diện mạo mới cho đời sống tín ngưỡng của đồng bào. Tuy nhiên, đầu tư cho bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng thường được thực hiện theo các chương trình, dự án. Nguồn lực kinh phí đầu tư ít lại phân thành nhiều hạng mục nên manh mún. Các chuyên gia cho rằng, phát triển kinh tế ở đây phải thực sự gắn liền với văn hóa, văn hóa cần được quan tâm, đầu tư để phát triển.
Cụ thể, Nhà nước cần tăng cường nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở; tổ chức kiểm kê, phân loại di sản văn hóa các tộc người thiểu số, trong đó có tín ngưỡng; xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống đương đại; xây dựng chính sách đãi ngộ, tôn vinh các nghệ nhân, hỗ trợ họ trao truyền tri thức, kinh nghiệm trong gia đình, dòng họ, cộng đồng...