Phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng cao: Ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết

Mặc dù đã có những đổi thay tích cực nhưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao của tỉnh Thái Nguyên vẫn gặp không ít khó khăn.

Nhờ được triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ, bà con dân tộc thiểu số ở xã Phú Xuyên (Đại Từ) đã phát huy lợi thế từ cây chè để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ảnh: V.V

Nhờ được triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ, bà con dân tộc thiểu số ở xã Phú Xuyên (Đại Từ) đã phát huy lợi thế từ cây chè để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ảnh: V.V

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã đi được hơn 2/3 chặng đường của Chương trình MTQG nhiều ý nghĩa này. Thực tế triển khai cho thấy, Chương trình đã bao phủ nhiều mặt của đời sống, xã hội. Không chỉ hướng tới những vấn đề mang tính chiến lược trong phát triển bền vững đối với vùng đồng bào DTTS như nguồn nhân lực, bình đẳng giới, tuyển dụng và sử dụng cán bộ…

Chương trình còn giải quyết những nhu cầu cấp thiết của đồng bào. Đối với Thái Nguyên, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục - đào tạo nghề…, tỉnh đặc biệt quan tâm giải quyết các vấn đề cấp thiết về nhà ở, đất sản xuất, con giống, chuỗi sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào vùng DTTS và miền núi.

Giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên được phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là 732,7 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 109,5 tỷ đồng. Phân bổ, giao dự toán ngân sách Trung ương hàng năm giai đoạn 2021-2023 là 663,8 tỷ đồng, địa phương là 95,9 tỷ đồng. Ngoài ra, Thái Nguyên còn huy động từ các nguồn vốn khác cho Chương trình số tiền 8,5 tỷ đồng.

Với nguồn kinh phí được đầu tư theo Chương trình, từ năm 2021 đến hết 2023, tỉnh đã đầu tư trên 21,2 tỷ đồng để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cũng như hỗ trợ sản xuất cho đồng bào vùng DTTS và miền núi. Theo đó đã có trên 210 hộ dân được hỗ trợ làm nhà ở; hơn 510 hộ dân được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Đặc biệt là đã có 12 công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng, giúp bà con được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp về sinh.

Ngoài ra, Thái Nguyên còn tiến hành các bước nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho 13 chuỗi tại Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ bò giống để bà con nhân dân xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) có điều kiện vươn lên.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ bò giống để bà con nhân dân xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) có điều kiện vươn lên.

Mừng nhất là những hộ nghèo ở địa bàn còn nhiều khó khăn của tỉnh, nhờ sự hỗ trợ của Chương trình đã thoát nghèo và yên tâm phát triển kinh tế. Đơn cử như gia đình anh Hoàng Văn Tý, dân tộc Mông, ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai), được Chương trình hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới, gần 20 triệu đồng mua bò giống nên hết năm 2023 đã thoát ngheo. Anh nói: Nếu Nhà nước không hỗ trợ tiền, không biết đến bao giờ vợ chồng mình mới có ngôi nhà xây chắc chắn để ở. Bây giờ thì mình đã yên tâm phát triển sản xuất để có nguồn thu nhập ổn định rồi.

Theo ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, hơn 3 năm qua, Chương trình chú trọng hướng tới mục tiêu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Trong đó đặc biệt quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội, các hộ dân nghèo, cận nghèo thông qua giải quyết các nhu cầu cấp thiết về đất ở, sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ sản xuất cho bà con. Từ đó góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giảm nghèo bền vững trong tỉnh.

Được sự tiếp sức từ Chương trình, từ năm 2021 đến nay, mỗi năm, Thái Nguyên đã hoàn thành mục tiêu giảm 2% hộ nghèo là người DTTS. Theo đó, trên 95% số hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; nhiều hộ được hỗ trợ đất sản xuất nên đảm bảo thu nhập để ổn định cuộc sống…

Đồng bào người dân tộc Mông ở xóm Trung Sơn (xã Quang Sơn, Đồng Hỷ) đưa cây na tím về trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đồng bào người dân tộc Mông ở xóm Trung Sơn (xã Quang Sơn, Đồng Hỷ) đưa cây na tím về trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đáng nói, cơ sở hạ tầng tại các địa bàn vùng khó được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% xóm có điện lưới quốc gia; 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh ở những nơi cần thiết; 100% xã có trạm y tế, trong đó có có trên 90% xã có bác sĩ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% xã có điện thoại cố định và di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân…

Có thể khẳng định, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang phát huy hiệu quả. Năm 2024, Chương trình tiếp tục được triển khai tại Thái Nguyên với số vốn đầu tư lên đến trên 645 tỷ đồng. Trong đó sẽ hỗ trợ đất ở cho 27 hộ dân, hỗ trợ nhà ở cho 153 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho trên 1.200 hộ, đầu tư xây dựng 9 công trình nước sinh hoạt tập trung... Từ đó góp phần duy trì mỗi năm giảm 2% hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi; 96% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào…

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Thái Nguyên đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư cho các dự án, công trình; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân tại các địa phương trong thực hiện Chương trình. Đồng thời tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ đầu tư các dự án, tiểu dự án... phù hợp với tình hình thực tế.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/dan-toc-va-mien-nui/202407/phat-trien-kinh-te-xa-hoi-o-mien-nui-vung-caouu-tien-giai-quyet-nhung-van-de-cap-thiet-4021c53/