Phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ: Cần tháo 'nút thắt' nguồn nhân lực

Nhân lực chất lượng cao, đất đai, hạ tầng... là những vấn đề quan trọng nhất để tháo 'nút thắt' phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Chưa tạo được đột phá

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ bao gồm 14 tỉnh, với dân số khoảng 12,5 triệu người. Nơi đây tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, nhà ở, ẩm thực, phong tục tập quán...

Hội thảo thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

Hội thảo thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

Đặc biệt, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước; địa bàn giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch, kinh tế biên mậu…

Để phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách dân tộc. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt đề án tổng thể, Nghị quyết số 120 phê duyệt chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025. Đặc biệt, ngày 10/2/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11 - NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; văn hóa xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; công tác dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được quan tâm; bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu được chú trọng; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được đảm bảo, bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc của Tổ quốc...

Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ”, ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ - cho biết: Đến nay, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là khu vực khó khăn nhất của cả nước: Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, thoát nghèo thiếu bền vững. Theo số liệu năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là 21,92%, cao nhất và khác biệt lớn so với các vùng trên địa bàn cả nước.

Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; nơi ở không ổn định và có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai; phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu…

Chia sẻ thực tế tại tỉnh Hòa Bình, đến nay vẫn là tỉnh có kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao; chưa có khả năng tự cân đối ngân sách; hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, nhất là hạ tầng giao thông...

Tại tỉnh Điện Biên, việc hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn vướng mắc, hộ nghèo ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ khá cao 36,57%, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/người/năm, trình độ dân trí thấp, dân cư phân bố không đồng đều, thiên tai thường có diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.

Các đại biểu đến từ các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Giang, Lai Châu… cũng nêu thực trạng, những tiềm năng và thách thức của địa phương trong phát huy liên kết phát triển bền vững kinh tế vùng.

Giải pháp cho vấn đề

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách về xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã góp phần tăng thêm đáng kể số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo cho các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số hiện chỉ chiếm khoảng 14 - 15%, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chiếm khoảng 18%, chưa đạt tỷ lệ theo quy định tại Quyết định 402/QĐ-TTg; có tới trên 87% người dân tộc thiểu số có việc làm từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Ông Vi Thanh Quyền – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang nêu thực tế: Chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn thấp (thể lực nhỏ bé, sức khỏe yếu); trí lực còn hạn chế (tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp cao đẳng, đại học thấp); tâm lực (có lối sống tự nhiên, chưa quen với tác phong công nghiệp, thiếu kỹ năng sống, làm việc và hội nhập). Lực lượng lao động vùng dân tộc có trình độ học vấn, tay nghề thấp so với các vùng khác trong tỉnh. Tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số qua đào tạo thấp 15%, tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số vào làm ở các công ty, doanh nghiệp còn ít (4%).

Đại biểu đến từ tỉnh Cao Bằng cũng chia sẻ: Do vị trí địa lý không thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu, giao thông đi lại khó khăn, chỉ có duy nhất loại hình giao thông đường bộ; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao nên đến nay Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo của cả nước.

Trong giai đoạn phát triển hiện nay, Cao Bằng xác định có 3 điểm nghẽn cần khắc phục, tháo gỡ, đó là: Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; chất lượng nguồn nhân lực, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực ở nông thôn, chất lượng trong cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt; cơ chế chính sách của tỉnh chưa thật sự thông thoáng, khó thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Cùng bàn về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, GS.TS.BS. Lê Thị Hợp - nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ: Vấn đề dinh dưỡng của bà mẹ trẻ em, nâng cao thể trạng của nhân dân cũng là một trong những yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ. Vì vậy, cần xây dựng và triển khai một số chương trình/dự án tổng thể, dài hạn về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ trẻ em và người dân vùng Trung du và miền núi Bắc bộ…

GS.TS.BS. Lê Thị Hợp - nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia chia sẻ ý kiến

GS.TS.BS. Lê Thị Hợp - nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia chia sẻ ý kiến

Để không ngừng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, đại diện Ủy ban Dân tộc lưu ý đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người; có cơ chế tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp theo hướng xét tuyển đặc cách đối với nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số còn khó khăn và có cơ chế thi tuyển đặc thù để lựa chọn được người dân tộc thiểu số có năng lực làm việc; chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Ngoài nhân lực, đất đai cũng là thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ được các đại biểu nêu lên. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai lần đầu” và “Điều tra, đánh giá thoái hóa đất kỳ bổ sung” trên địa bàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã được Trung tâm Điều tra và Quy hoạch đất đai, trực thuộc Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức triển khai thực hiện từ năm 2016 và hoàn thành năm 2019.

Sau 4 năm triển khai thực hiện, đã xác định có 4.418.716 ha đất bị thoái hóa (với các nguyên nhân chủ yếu do xói mòn; khô hạn; kết von, đá ong hóa; suy giảm độ phì), chiếm 46,40% diện tích tự nhiên.

Nguyên nhân thoái hóa đất bao gồm 2 nhóm chính: Nguyên nhân tự nhiên, do ảnh hưởng của khí hậu và biến đổi khí hậu; ảnh hưởng của địa hình; ảnh hưởng của thủy văn. Nguyên nhân từ sử dụng đất của con người, công tác quản lý, sử dụng đất; quản lý, khai thác tài nguyên rừng; áp lực sử dụng đất (do tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số).

Kết quả của dự án là cơ sở cho việc đề xuất giải pháp bảo vệ, định hướng khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai; giúp giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến chất lượng tài nguyên đất đai và đánh giá tác động, ảnh hưởng của chính sách, pháp luật về đất đai đến tài nguyên đất đai để đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng tài nguyên đất đai.

Kết thúc hội thảo, TS. Bế Trường Thành - Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch Hội hỗ trợ Phát triển kinh tế miền núi Việt Nam đề nghị: Ban tổ chức lựa chọn các ý kiến để gửi đến cơ quan chuyên môn, đề xuất, đóng góp, xây dựng đề án để thúc đẩy phát triển bền vững đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn vùng Trung du và miền núi Bắc bộ trên cơ sở phát triển đảm bảo sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành, địa phương; hình thành một số khu vực động lực, hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng thúc đẩy kinh tế; phát huy tối đa tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, tận dụng mọi cơ hội, phát huy hiệu quả chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thách thức và vươn lên.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-trung-du-va-mien-nui-bac-bo-can-thao-nut-that-nguon-nhan-luc-290747.html