Phát triển kinh tế, xây đời sống mới

Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, người dân xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp. Nhờ các mô hình liên kết sản xuất, chú trọng sản phẩm an toàn, chất lượng, người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo và làm giàu.

Liên kết phát triển sản xuất

Trở lại xã Đông Lỗ, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng đất này. Những ngôi nhà cao tầng đẹp đẽ, đường bê tông chạy khắp các ngõ xóm và những cánh đồng xanh tươi.

Là xã thuần nông nằm ở phía Nam huyện Hiệp Hòa, Đông Lỗ có hơn 4 nghìn hộ, 18 nghìn nhân khẩu sống ở 11 thôn; người dân Đông Lỗ biến khó khăn thành lợi thế, động lực để phát triển kinh tế, xây dựng và nâng cao chất lượng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã, cấp ủy, chính quyền xã thực hiện tốt việc quán triệt, tuyên truyền chủ trương, chính sách về cơ chế hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn; tăng cường tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc rau màu, vật nuôi; vận động người dân liên kết thành lập các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Cùng đó xã cũng làm tốt công tác huy động nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thuận lợi.

 Bà Đào Thị Vui chăm sóc rau gia vị trồng trong nhà màng của gia đình.

Bà Đào Thị Vui chăm sóc rau gia vị trồng trong nhà màng của gia đình.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, nông dân Đông Lỗ đã năng động chuyển đổi mô hình sản xuất. Trên địa bàn xã hiện có 3 HTX và 3 tổ hợp tác hoạt động. Ngoài ra còn có nhiều mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và kinh doanh tổng hợp cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt, loại dưa lê giống Hàn Quốc nhập khẩu trồng trên đồng đất nơi đây cho trái ngon, chất lượng tốt, được công nhận là sản phẩm đặc trưng của địa phương, đạt OCOP 3 sao.

Ngoài ra, các HTX đã chủ động liên kết với nhóm hộ, cá nhân, đồng thời đứng ra kết nối, bao tiêu sản phẩm cho các hộ. Đơn cử như HTX Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ sạch Đông Hưng ở thôn Đông Lỗ được thành lập từ năm 2016. Bà Đào Thị Vui, Giám đốc HTX cho biết: “Từ ngày đầu hoạt động, HTX xác định mục tiêu là phát huy thế mạnh địa phương, sản xuất an toàn, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết với các hộ có kinh nghiệm trồng rau, củ trên địa bàn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các loại rau gia vị ăn lá của HTX được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP”. Hiện tổng diện tích trồng rau của HTX là 10 ha, chủ yếu là rau thơm như: Mùi, tía tô, thì là... Đường sá được mở rộng, xe ô tô đến tận ruộng thu mua nên việc tiêu thụ nông sản thuận lợi. Các sản phẩm của HTX có mặt tại những cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh và một số địa phương lân cận như: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên… Doanh thu mỗi năm của HTX khoảng 4 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Người dân Đông Lỗ luôn có tinh thần đoàn kết, cần cù lao động, sống hòa thuận, tích cực tương trợ giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ nhau về giống, vốn, kỹ thuật trồng trọt; kinh nghiệm chăn nuôi. Từ đó tạo ra những vụ thu hoạch thắng lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống người dân ngày một cải thiện, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng. Theo kết quả rà soát năm 2023 xã còn 70 hộ nghèo, tỷ lệ 1,85%.

Chung tay xây đời sống mới

Cùng với phát triển kinh tế, Đảng ủy, UBND xã Đông Lỗ ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng, xây dựng các công trình phúc lợi, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo an sinh. Hằng năm, xã lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà đại đoàn kết; hỗ trợ cây, con giống và thăm, tặng quà cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Giữa tháng 5 vừa qua, Ban chỉ đạo vận động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát xã Đông Lỗ tổ chức khởi công xây nhà cho bà Tạ Thị Phượng (SN 1954) ở thôn Vân Cẩm. Bà Phượng thuộc diện hộ nghèo, sống đơn thân trong căn nhà đã xây dựng từ lâu, chật hẹp và xuống cấp nghiêm trọng. Ngôi nhà mới có diện tích khoảng 60m2, kinh phí xây dựng 150 triệu đồng. Trong đó Hội Nông dân huyện hỗ trợ 50 triệu đồng, số tiền còn lại do gia đình, dòng họ và vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ. Quá trình xây dựng, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã vận động hội viên, đoàn viên giúp đỡ gia đình hàng chục ngày công lao động. Hay mới đây, UBND xã đã phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải Minh tặng 100 suất quà và 25 chiếc đồng hồ cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã.

 Đường bê tông qua thôn Nghĩa Tiến mới được nâng cấp, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Đường bê tông qua thôn Nghĩa Tiến mới được nâng cấp, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Trước đây, người dân thôn Nghĩa Tiến chưa bao giờ nghĩ có ngày con đường đê nhỏ hẹp, nhiều ổ gà, chạy ngoằn ngoèo bao năm lại thay đổi nhanh đến vậy. Đi qua những đoạn đường bê tông phẳng phiu, sạch đẹp vừa hoàn thành, chúng tôi như vui lây với bà con nơi đây. Trao đổi với anh Đào Văn Trọng, cán bộ lao động - thương binh - xã hội của xã được biết, từ nguồn ngân sách địa phương, vừa qua, đoạn đường từ xóm Đồng Đanh thôn Nghĩa Tiến đi Tràng - Phố Hoa (thị trấn Bắc Lý) được cải tạo, nâng cấp giúp người dân đi lại thuận lợi. Tuyến đường dài gần 300m, rộng 6m, kinh phí xây dựng gần 2 tỷ đồng. Những ngày thi công, bà con tích cực góp công sức, mỗi người một tay để đường có chất lượng tốt, sớm hoàn thành. Cùng đó, xã đưa vào sử dụng nhiều công trình mới như: Nhà văn hóa thôn Đồng Quan, 16 phòng học của Trường THCS Đông Lỗ, 12 phòng học của Trường Tiểu học Đông Lỗ số 1, 8 phòng học và khu nhà hiệu bộ Trường Mầm non Đông Lỗ số 1.

 Trường Tiểu học Đông Lỗ số 1 mới được đầu tư xây dựng mới 12 phòng học.

Trường Tiểu học Đông Lỗ số 1 mới được đầu tư xây dựng mới 12 phòng học.

Kinh tế phát triển, người dân tích cực tham gia đóng góp cùng chính quyền địa phương xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, nâng cấp đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Các gia đình chỉnh trang nhà cửa, làm mới các tuyến đường ngõ xóm, xây dựng thôn văn hóa sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Nhiều câu lạc bộ văn nghệ, cầu lông, bóng chuyền, bóng đá... được thành lập trong các khu dân cư, các cơ quan, trường học và sinh hoạt sôi nổi. Năm 2023, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa của xã là 91,13%; thôn Đông Lỗ và thôn Nghĩa Tiến 9 năm liên tục đạt danh hiệu thôn văn hóa; 9 thôn được Chủ tịch UBND huyện công nhận thôn văn hóa sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Đông Lỗ được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022.

Để giảm nghèo bền vững, trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, Đảng ủy, UBND xã Đông Lỗ tiếp tục quan tâm bố trí, lồng ghép nhiều nguồn lực hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho các hộ nghèo xây dựng mô hình sản xuất mới, phù hợp với lợi thế địa phương. Cùng đó quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/phat-trien-kinh-te-xay-doi-song-moi-110321.bbg