Phát triển kỹ năng 'mềm' cho học sinh thông qua các câu lạc bộ, đội, nhóm sở thích

Ngoài những kiến thức trong sách giáo khoa, còn nhiều những nội dung quan trọng trong đời sống hằng ngày. Thời gian qua, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thành lập, phát triển nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm theo sở thích. Đây được xem là một giải pháp hiệu quả trong việc phát triển phẩm chất, kỹ năng 'mềm' cho học sinh.

CLB Tiếng Anh tổ chức cho học sinh giao lưu

CLB Tiếng Anh tổ chức cho học sinh giao lưu

Thầy giáo Mai Anh Dũng, Trường THCS Nga Thanh, Tổng phụ trách đội Trường THCS xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn cho biết: Những năm gần đây, thông qua việc phát triển các mô hình hoạt động câu lạc bộ trong trường học, trường đã chú trọng rèn luyện kỹ năng “mềm” cho học sinh thông qua các mô hình CLB, đội, nhóm như: STEM, tiếng Anh, văn nghệ, thể dục thể thao, em yêu khoa học... Qua đó, học sinh được tham gia trải nghiệm giáo dục kỹ năng sống, giúp các em tự tin, chủ động hơn, có khả năng làm việc nhóm, phát triển tư duy phản biện...

Buổi học ngoại khóa về phòng cháy, chữa cháy

Buổi học ngoại khóa về phòng cháy, chữa cháy

Ngoài những kiến thức ở trên lớp được thầy, cô giáo truyền đạt thì thông qua những hoạt động ngoại khóa, học sinh được tiếp cận thêm những kiến thức mà nhà trường hay thầy cô ở trên lớp chưa có điều kiện, thời gian truyền đạt đầy đủ cho học sinh. Mặt khác, nhà trường luôn đổi mới phương pháp, lồng ghép nhiều nội dụng khác nhau đảm bảo hiệu quả, thiết thực, nội dung dễ hiểu phù hợp với lứa tuổi. Mục tiêu đặt ra, để học sinh hình thành cho mình ý thức tự học, tự bồi dưỡng bản thân và những kỹ năng tự phục vụ, ý thức biết vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường còn chỉ đạo Đội TNTP Hồ Chí Minh tổ chức cho học sinh tham gia buổi nói chuyện chuyên đề: “Công cha - Nghĩa mẹ - Ơn thầy”... Những câu chuyện rất đời thường về cha mẹ, thầy, cô giáo trong hành trình nuôi dưỡng đã chạm đến trái tim của mỗi học sinh với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Thầy giáo Mai Anh Dũng, Tổng phụ trách đội hướng dẫn các em cách sơ cứu người bị đuối nước

Thầy giáo Mai Anh Dũng, Tổng phụ trách đội hướng dẫn các em cách sơ cứu người bị đuối nước

Sau những buổi nói chuyện chuyên đề các em đã biết yêu thương cha mẹ, hiểu hơn về những vất vả của cha mẹ, trân trọng biết ơn thầy, cô giáo đã cho mình một kho tàng tri thức.Thông qua nhiều hoạt động vì cộng đồng như: cùng chung tay ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc bị lũ lụt vừa qua, thăm hỏi các gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ... đã lôi cuốn học sinh phát huy tinh thần đoàn kết, tính tập thể vì cộng đồng.

Thầy giáo Mai Anh Dũng cho biết thêm: Hằng năm, nhà trường phối hợp với Hội cha mẹ tổ chức cho các em chuyến đi trải nghiệm thực tế ở một số di tích cách mạng, bảo tàng lịch sử trong và ngoài tỉnh để tìm hiểu về lịch sử Việt Nam... Từ đó, các em tiếp thu kiến thức lịch sử, mở rộng hiểu biết về lịch sử quê hương, dân tộc, hiểu sâu sắc thêm về giá trị văn hóa.

Trao học bổng cho 2 học sinh trong CLB “Vượt khó” Trường TH - THCS Đông Thịnh.

Trao học bổng cho 2 học sinh trong CLB “Vượt khó” Trường TH - THCS Đông Thịnh.

Cô giáo Lê Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường TH và THCS Đông Thịnh, huyện Đông Sơn cho biết: Phát triển kỹ năng “mềm” cho học sinh thông qua các câu lạc bộ, đội, nhóm sở thích đã mang lại hiệu quả thiết thực. Những năm qua, các CLB dân vũ, CLB Vovinam, CLB vượt khó, bóng đá, nhảy sạp... hoạt động hiệu quả thu hút đông đảo học sinh tham gia. Ngoài mục tiêu rèn luyện, nâng cao năng lực, phát huy năng khiếu cho từng học sinh, các CLB, đội, nhóm theo sở thích, sở trường còn là nơi để các em thể hiện nhiều việc làm có ý nghĩa. Điển hình như CLB “Vượt khó” thu hút được hơn 30 thành viên tham gia với mong muốn được lan tỏa tình yêu thương và tương trợ nhau vượt qua dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Các em gửi những lời yêu thương chia sẻ qua những tấm thiệp nhỏ trong chương trình “Mùa trăng yêu thương”

Các em gửi những lời yêu thương chia sẻ qua những tấm thiệp nhỏ trong chương trình “Mùa trăng yêu thương”

Em Nguyễn Thị Khánh Linh, học sinh lớp 9B trong nhóm CLB “Vượt khó” chia sẻ: "Ở đây các bạn có nhiều hoàn cảnh khó khăn khác nhau nhưng đều có ý thức học tập tốt, được thầy yêu, bạn mến. Bản thân con được thầy, cô giáo cùng các bạn giúp đỡ, từ đó có động lực để học tập tốt hơn, vượt qua những khó khăn đạt kết quả cao trong học tập".

Huy động các em học sinh và thầy, cô giáo ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng.

Huy động các em học sinh và thầy, cô giáo ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng.

Ở mỗi cấp học đều có những mô hình CLB, đội, nhóm... phù hợp với lứa tuổi như: Khu sinh hoạt ngoài trời duy trì các hoạt động trò chơi dân gian, nhảy bao bố, ô ăn quan, tổ chức chương trình “Mùa trăng yêu thương”, tiếng trống học bài, góc học tập qua ảnh, thư viện đọc sách... Qua việc tổ chức các CLB, nhà trường mong muốn tạo ra một sân chơi bổ ích cho các em học sinh ngoài các giờ học chính khóa để học sinh thấy rằng mỗi ngày đến trường là một ngày vui, các con được chia sẻ những điều các con muốn và phát huy qua những tờ thiệp nhỏ gửi thông điệp yêu thương vào đó. Thông qua mô hình các CLB, đội, nhóm... đã lan tỏa thông điệp tích cực đến cộng đồng, nhiều học sinh đã khắc phục được tính rụt rè, nhút nhát sau khi tham gia CLB, ứng xử, giao tiếp chủ động tự tin hơn.

Thư viện đọc sách thu hút đông đảo các em tham gia.

Thư viện đọc sách thu hút đông đảo các em tham gia.

Trò chơi dân gian ô ăn quan được các em học sinh hào hứng tham gia

Trò chơi dân gian ô ăn quan được các em học sinh hào hứng tham gia

Có thể khẳng định, mô hình các CLB, đội, nhóm... theo sở thích, sở trường trong trường học góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh. Để mô hình CLB, đội, nhóm hoạt động ngày càng hiệu quả, các nhà trường cần tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền để thu hút đông học sinh tham gia. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch tổ chức đa dạng, phù hợp về nội dung, hình thức sinh hoạt CLB gắn liền với chuyên môn theo từng chủ đề, chủ điểm, trở thành hình thức sinh hoạt, học tập lý tưởng cho học sinh.

Bảo Thanh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/phat-trien-ky-nang-mem-cho-hoc-sinh-thong-qua-cac-cau-lac-bo-doi-nhom-so-thich-nbsp-33107.htm