Phát triển lâm nghiệp: HTX đẩy mạnh liên kết, tạo đầu ra ổn định
Các hộ trồng rừng ở xã Hòa Mỹ Tây nhận thiết bị hỗ trợ trồng rừng, quản lý rừng từ tổ chức FFD - Ảnh: MINH DUYÊN
Tham gia vào chuỗi liên kết các sản phẩm lâm nghiệp, các HTX được hỗ trợ phát triển dịch vụ trồng rừng, quản lý và khai thác rừng. Thành viên HTX có đầu ra tiêu thụ gỗ, đơn vị thu mua có nguồn cung cấp gỗ ổn định và đạt chuẩn. Tận dụng lợi thế này, Liên minh HTX tỉnh chủ trương phát triển hơn nữa các HTX trên lĩnh lực lâm nghiệp.
Hiệu quả từ chuỗi liên kết
Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 19 HTX nông lâm nghiệp, quản lý hơn 30.000ha đất rừng. Trước đây, thành viên các HTX làm dịch vụ bán lẻ cây giống, gỗ rừng trồng. Do thực hiện đơn lẻ chưa có sự liên kết nên giá trị kinh tế mang lại chưa xứng tầm.
Để xây dựng thành chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, từ năm 2017, Liên minh HTX đã phối hợp với Cơ quan nông nghiệp Phần Lan về phát triển lương thực và lâm nghiệp (viết tắt là FFD) triển khai dự án Hỗ trợ tổ chức các hộ trồng rừng quy mô nhỏ và hướng tới chứng chỉ rừng ở Việt Nam (dự án VIE6566).
Đến nay, hai HTX tham gia dự án là HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) cơ bản đã hình thành được chuỗi liên kết từ khâu giống, chăm sóc, quản lý rừng đến khai thác, tiêu thụ sản phẩm, sẵn sàng nhận chứng chỉ rừng PEFC.
Ông Phùng Minh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây, cho biết: Đơn vị được hỗ trợ kỹ thuật làm vườn ươm, xây dựng đài quan sát kiểm soát rừng, cùng nhiều trang thiết bị như ống nhòm quan sát, loa, máy định vị GPS, xe ben… Nhờ đó, giúp đơn vị tập hợp thành viên có rừng cùng sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu giống đến trồng, chăm sóc và khai thác bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, HTX được tiếp cận với Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), từ đây HTX đặt quan hệ với Công ty CP Thương mại lâm nghiệp Lâm Việt để tiêu thụ gỗ keo lai.
Còn theo bà Nguyễn Thị Mai, thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Định Tây, gia đình bà có 5ha đất rừng sản xuất. Trước bà trồng theo kinh nghiệm và giá bán gỗ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Tham gia trồng rừng theo chuỗi với HTX, bà được hướng dẫn cách ươm cây tạo ra nguồn cây giống cho mình mà không phải đi mua bên ngoài; được học cách bón phân, tính khoảng cách trồng, chu kỳ tỉa cành để cây phát triển tốt đạt đường kính chuẩn khi đến kỳ thu hoạch. “Nếu rừng của tôi đạt chứng chỉ thì sẽ có cơ hội được các công ty gỗ trong và ngoài nước thu mua với giá cao và ổn định”, bà Mai nói.
Tăng số lượng HTX lâm nghiệp
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Đơn vị hướng tới mở rộng chuỗi liên kết trồng rừng ra toàn tỉnh, bằng cách thành lập các HTX lâm nghiệp và kêu gọi các doanh nghiệp khai thác gỗ trở thành thành viên HTX. Từ đây tạo ra chuỗi liên kết khép kín trong chính HTX và trong các HTX lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, để bảo đảm đầu ra khi thị trường gỗ xuất khẩu gặp khó khăn.
Bên cạnh một HTX lâm nghiệp vừa thành lập tại huyện Đồng Xuân, từ nay đến cuối năm sẽ thành lập thêm 2 HTX lâm nghiệp tại huyện Sơn Hòa. Liên minh cũng đang thỏa thuận với Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên để đơn vị này trở thành thành viên HTX và tiêu thụ gỗ cho các HTX lâm nghiệp ổn định trong vòng 10 năm.
Theo UBND huyện Đồng Xuân, HTX Nông lâm Huy Hòng ở thị trấn La Hai vừa đi vào hoạt động với 7 thành viên góp 3,9 tỉ đồng làm vốn điều lệ, thu hút 3.900 hộ có rừng trở thành thành viên HTX. Ngoài quản lý để bảo vệ rừng, HTX hướng tới xây dựng chuỗi liên kết rừng trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên.
Từ nay đến cuối năm, huyện Sơn Hòa sẽ thành lập thêm 2 HTX lâm nghiệp tại xã Phước Tân và Sơn Hội, quản lý khoảng 1.900ha rừng của hơn 140 hộ dân. Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho hay: Các hộ này chủ yếu là hộ nghèo được giao đất, giao rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ để xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao do các hộ không có tiền đầu tư, lại làm đơn lẻ nên gặp giá gỗ xuống thấp, chậm thu hồi vốn. Nhiều hộ bỏ rừng hoặc chuyển nhượng lại quyền sở hữu nên gây khó cho công tác quản lý và duy trì diện tích rừng trồng. Nếu được tham gia vào chuỗi liên kết các sản phẩm lâm nghiệp sẽ là cơ hội cho các hộ thành viên cải thiện thu nhập, vươn lên xóa nghèo…
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Thanh Lam cho biết thêm: Nhiều năm nay, lĩnh vực lâm nghiệp chưa được các HTX khai thác nên sự phát triển còn hạn chế. Trong khi đó, tiềm năng của các HTX trên địa bàn tỉnh ta về lĩnh vực này rất lớn, ngoài số HTX đang có hoạt động lâm nghiệp, còn có một HTX phi nông nghiệp chuyên hoạt động xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ với nhu cầu 600m3 gỗ mỗi năm.
Chính các HTX liên kết lại với nhau đã xây dựng được chuỗi sản phẩm lâm nghiệp. Hiện thông qua dự án VIE6566, đơn vị chuẩn bị cho các HTX lâm nghiệp kỹ thuật trồng rừng bền vững theo chứng chỉ quốc tế, đáp ứng nhu cầu gỗ có nguồn gốc xuất xứ của các HTX, doanh nghiệp xuất khẩu. Theo kế hoạch, đến cuối năm mỗi huyện miền núi thành lập thêm 3 HTX, trong đó ưu tiên thành lập mới các HTX lâm nghiệp, hướng tới năm 2020 toàn tỉnh có 30 HTX lâm nghiệp và thu hút từ 1-3 doanh nghiệp vào HTX.
Đơn vị hướng tới mở rộng chuỗi liên kết trồng rừng ra toàn tỉnh, bằng cách thành lập các HTX lâm nghiệp và kêu gọi các doanh nghiệp khai thác gỗ trở thành thành viên HTX.