Phát triển lành mạnh thị trường bất động sản

Những năm gần đây, thị trường bất động sản trong cả nước nói chung cũng như trên địa bàn tỉnh nói riêng có nhiều biến động. Từ việc giá bất động sản tăng nóng, nhiều người “lướt sóng” bất động sản, đến thời kỳ trầm lắng, ế ẩm, khiến nhiều người phải “cắt lỗ”. Do đó đòi hỏi cần có giải pháp để phát triển lành mạnh, bền vững thị trường bất động sản.

Các sản phẩm bất động sản cao cấp tại Khu đô thị Ecopark (Văn Giang) . Ảnh minh họa

Thị trường xây dựng và bất động sản có sự liên thông, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của các thị trường khác như: Thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường chứng khoán... Thời gian qua, thị trường bất động sản đã góp phần thu hút các nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, công trình xây dựng, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của Nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển đô thị, du lịch.

Nếu như năm 2021 và những tháng nửa đầu năm 2022, giá bất động sản trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, đặc biệt là nhà ở, đất nền, thì đến nửa cuối năm 2022 cho đến những tháng đầu năm 2023 có dấu hiệu chững kéo dài, nhiều nơi sụt giảm. Khảo sát tại các sàn giao dịch bất động sản trong tỉnh ghi nhận, giá đất nền toàn tỉnh đã giảm từ 15 đến 20% tùy từng khu vực. Để “cắt lỗ”, nhiều nhà đầu tư đã giảm giá sâu hơn để bán ra.

Đơn cử như đất nền khu vực thành phố Hưng Yên và các huyện như: Tiên Lữ, Phù Cừ, Ân Thi, Văn Giang đã giảm khá sâu. Hiện nay, trong tỉnh đang có 10 sàn giao dịch bất động sản đã được cấp phép hoạt động. Ghi nhận tại các sàn giao dịch cho thấy sự trầm lắng thể hiện rõ ở mức độ giao dịch kém sôi động và số phiên giao dịch thành công giảm mạnh.

Ông Trần Văn Tuấn, quản lý sàn giao dịch bất động sản tại thị trấn Văn Giang cho biết: Những giao dịch các tháng đầu năm 2023 mà chúng tôi ghi nhận chủ yếu ở lĩnh vực đất nền, phân khúc nhà ở trung – cao cấp rất ít có giao dịch thành công. Trong khi đó, đất nền có tỷ lệ người rao bán nhiều hơn người mua. Tại những khu vực đất nền giảm sâu, giao dịch bán ra dễ thành công hơn, phục vụ trực tiếp cho người có nhu cầu thực về đất ở và xây dựng nhà ở dân sinh.

Theo đánh giá chung của ngành chuyên môn, ngoài biến động về giá, thị trường bất động sản còn biến động về nguồn cung và các phân khúc. Cấu trúc nguồn cung nghiêng về sản phẩm bất động sản tầm trung và cao cấp, sản phẩm giá rẻ và nhà ở xã hội lại rất ít, nguồn cung không đủ đáp ứng nên tỷ lệ giao dịch thấp, tính hấp thụ yếu.

Tại các địa phương trong tỉnh, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung - cao cấp, trong khi thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp. Ông Nguyễn Bá Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Lạc Hồng Phúc (phường Nhân Hòa, thị xã Mỹ Hào) cho biết: Dự án bất động sản của chúng tôi ngoài các khu nhà phố còn có hơn 700 căn hộ nhà ở xã hội. Ngay trong năm 2022, số căn nhà ở xã hội đã được bán hết với mức giá từ 10 đến 13 triệu đồng/m2. Trên thực tế, nhu cầu nhà ở tầm trung và giá rẻ của người dân vẫn rất cao, tuy nhiên, do chi phí đầu tư cao, mức lãi thấp nên chưa thu hút được các nhà đầu tư vào cuộc.

Ngày 18.7.2022, Bộ Xây dựng có Công văn số 2653/BXD-QLN về việc triển khai thực hiện Nghị định số 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương giao Sở Xây dựng hoặc cơ quan chuyên môn quản lý nhà ở và thị trường bất động sản địa phương cấp tỉnh xây dựng quy chế phối hợp xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản địa phương; tổ chức vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp với các địa phương tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư nhà ở; giám sát việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất cho Nhân dân làm nhà ở theo quy định. Từ năm 2022 đến hết tháng 2 năm 2023, tỉnh đã phê duyệt gần 150 hồ sơ về giá đất, trong đó chủ yếu là hồ sơ xác định giá đất cụ thể; hồ sơ xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất.

Sản phẩm bất động sản của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Lạc Hồng Phúc (phường Nhân Hòa, thị xã Mỹ Hào)

Hiện nay, thị trường đang thiếu hụt sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại ở mức giá hợp lý. Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững trong thời gian tới, ngoài việc hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật, cần đẩy mạnh một số chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tiếp cận, vay vốn đối với lĩnh vực bất động sản. Mặt khác cần tập trung tháo gỡ khó khăn về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án; bổ sung, quy định rõ về phân cấp, trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản đến chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, nhất là quản lý các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ môi giới bất động sản, huy động vốn, bán đất nền, bán nhà ở hình thành trong tương lai…

Vi Ngoan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202303/phat-trien-lanh-manh-thi-truong-bat-dong-san-be21d0f/