Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội

Tổ Công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) với tiểu phẩm chia sẻ, giúp đỡ bệnh nhân trong hội thi tìm hiểu nghề CTXH năm 2020. Ảnh: KIM CHI

Sau 10 năm triển khai đề án Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH), các cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH được phát triển ở nhiều ngành, lĩnh vực, đáp ứng kịp thời nhu cầu trợ giúp của người dân, nhất là đối tượng yếu thế.

Để tiếp tục phát huy kết quả của đề án, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai giai đoạn 2021-2030 với mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, của mọi người dân về CTXH, tạo sự đồng thuận và ủng hộ việc triển khai chương trình phát triển CTXH tỉnh.

Chia sẻ để kết nối

Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Kể từ khi đề án Phát triển nghề CTXH được phê duyệt, giai đoạn 2010-2020, mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH đã được hình thành, cung cấp dịch vụ CTXH đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở.

Toàn tỉnh hiện có 7 cơ sở trợ giúp xã hội (TGXH) chăm sóc, nuôi dưỡng treẻm mồ côi, người già không nơi nương tựa, các đối tượng yếu thế trong xã hội... Nhiều mô hình CTXH đã vận hành rất hiệu quả, cung cấp dịch vụ CTXH cho hàng trăm lượt đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp; người nhiễm HIV/AIDS, người nghèo, trẻ em, nạn nhân của phân biệt đối xử về giới; người nghiện ma túy, người sau cai nghiện; cha mẹ, người chăm sóc trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp và các đối tượng khác.

Ông Cao Tấn Trường, Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy và TGXH tỉnh, cho biết: Cơ sở chúng tôi đang quản lý và điều trị cho gần 60 học viên cai nghiện theo diện bắt buộc và tự nguyện. Đây là những đối tượng dễ bị kích động, do đó cơ sở thực hiện công tác tư vấn, giải đáp những thắc mắc của học viên nhằm ổn định tâm lý, động viên, khích lệ học viên. Đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, không để dịch bệnh lây lan.

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm CTXH (Sở LĐ-TB-XH), chia sẻ: Nghề CTXH rất đặc thù, mỗi người làm nghề đều phải thấu hiểu, sẻchia, kết nối, hỗ trợ những đối tượng yếu thế trong xã hội để họ tự vươn lên trong cuộc sống. Từ những cụ già neo đơn đến những trường hợp trẻkhuyết tật nặng, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trong bệnh viện… đều rất cần sự kết nối, hỗ trợ của nhân viên CTXH.

Nhân rộng các mô hình

Tuy nhiên, theo đánh giá của tỉnh, các dịch vụ CTXH hiện chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu, năng lực cung cấp dịch vụ CTXH và chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng, đa số được đào tạo từ ngành khác hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ…

Ông Võ Văn Binh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: Trong kế hoạch triển khai đề án CTXH giai đoạn 2021-2030, tỉnh đặt ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về CTXH; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ CTXH của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Phấn đấu đến năm 2025, đạt 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở TGXH, cơ sở cai nghiện ma túy, trường học, bệnh viện và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm CTXH; đến năm 2030, bảo đảm ít nhất 90% treẻm mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được TGXH và được cung cấp dịch vụ CTXH phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa; tỉ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ và quản lý từ các cơ sở TGXH tăng tối thiểu 20%.

Tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình cơ sở TGXH cung cấp dịch vụ CTXH, phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, ngôi nhà tạm lánh, mô hình gia đình cá nhân nhận nuôi có thời hạn và mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trong kế hoạch triển khai đề án CTXH giai đoạn 2021-2030, tỉnh đặt ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về CTXH; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ CTXH của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Ông Võ Văn Binh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/254296/phat-trien-mang-luoi-cung-cap-dich-vu-cong-tac-xa-hoi.html