Phát triển mạng lưới đường bộ kết nối linh hoạt các phương thức vận tải

Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mang tính chất đồng bộ và hiện đại, kết nối linh hoạt giữa các phương thức vận tải, căn cứ vào lưu lượng để thiết kế làn xe tùy theo cung đoạn để phân kỳ đầu tư.

Đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1054/QĐ-TTg có nhiều ưu điểm so với các quy hoạch trước đây.

Định hướng đến năm 2050 tổng chiều dài mạng lưới đường bộ cao tốc trên cả nước khoảng 9.014km và mạng lưới quốc lộ dài khoảng 29.795km. Ảnh minh họa.

Đặc biệt Quy hoạch lần này mang tính chất đồng bộ và hiện đại, kết nối linh hoạt giữa các phương thức vận tải, căn cứ vào lưu lượng để thiết kế làn xe tùy theo cung đoạn để phân kỳ đầu tư.

Lần này quy hoạch rộng tối đa để địa phương bố trí quỹ đất 2 bên đường, sau này không phải giải phóng mặt bằng. Từ đó có mốc lộ giới khi địa phương bố trí các khu công nghiệp đồng bộ với quy hoạch chủ động, không gây lãng phí.

Đây là điểm mới so với quy hoạch phê duyệt tại Quyết định 356/QĐ-TTg khi chỉ có quy hoạch tối thiểu (2 làn xe) không tính đến số làn xe tối đa. Còn quy hoạch lần này tầm nhìn 2050 căn cứ vào lưu lượng để tính toán.

Thông tin từ đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, thực tế quy hoạch đường bộ đi qua các trung tâm thị trấn thị tứ nếu lưu lượng chỉ có 4 làn xe nhưng qua các địa điểm trên thì có thể nâng lên 10 làn xe nên quy hoạch tích hợp quy hoạch địa phương.

Về mặt đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đầu tư 4 làn còn muốn làm thêm 6 làn thì địa phương phải bỏ tiền ra để đầu tư đồng bộ giữa Trung ương và địa phương.

Định hướng đến năm 2050 tổng chiều dài mạng lưới đường bộ cao tốc dài khoảng 9.014km và mạng lưới quốc lộ dài khoảng 29.795km.

Giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu hoàn thành khoảng 1.800km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên khoảng 3.000km. Giai đoạn 2026 - 2030 phấn đấu hoàn thành khoảng 2.000km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên khoảng 5.000km.

Trong quy hoạch lần này cũng xác định về tiêu chí đối với các các tuyến quốc lộ. Nếu đáp ứng tiêu chí sẽ nâng lên thành quốc lộ và ngược lại.

Khi đường quốc lộ mãn tải thì việc mở rộng để tăng lưu lượng phương tiện và hàng hóa không tối ưu bằng xây dựng đường cao tốc vì nếu đầu tư mở rộng thì tốn kém giải phóng mặt bằng (GPMB) và không đáp ứng được tốc độ.

Lúc này, mở đường cao tốc song hành có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tăng phát triển kinh tế, đem hiệu quả đầu tư, an toàn hơn. Còn với quốc lộ kết nối vị trí vai trò vẫn phải đầu tư và tăng cường bảo trì duy tu bảo dưỡng, quy mô dự án có thể thảm tăng cường mặt đường để đảm bảo an toàn.

Điểm nhấn nữa của quy hoạch lần này là linh hoạt trong kết nối khi có hơn 200km kết nối quốc lộ, cao tốc đến cửa cảng giải quyết điểm nghẽn để các địa phương đầu tư các Ram kết nối với đường bộ và các phương thức vận tải giúp giảm chi phí vận tải, logistics.

Việc kết nối quốc lộ - cao tốc, khu công nghiệp, du lịch của địa phương với cao tốc, phạm vi đấu nối không xem xét giới hạn mà khi kết nối cao tốc phải đảm bảo tốc độ và an toàn cao tốc.

Chính vì vậy, quy hoạch chỉ ra quy mô tính chất kỹ thuật của nút giao phải nghiên cứu sửa đổi theo quy chuẩn, quy trình mới để không ảnh hưởng tới tốc độ, an toàn.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-trien-mang-luoi-duong-bo-ket-noi-linh-hoat-cac-phuong-thuc-van-tai-post190315.html