Phát triển mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB tại Việt Nam và vấn đề đặt ra

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển bùng nổ và chi phối lớn đến cuộc sống con ngươìnhư hiện nay, việc ứng dụng công nghệ và kinh tế chia sẻ trở thành một xu hướng chiến lược trongkinh doanh. Đây cũng là tiền đề để mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB ra đời,giúp cho các chủ sở hữu căn hộ kết nối rộng rãi hơn với những khách hàng đầy tiềm năng trênInternet. Bài viết đề cập đến mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB tại Việt Nam,đồng thời đề xuất giải pháp phát triển mô hình này trong thời gian tới.

Mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB tại Việt Nam hiện đang khá phát triển.

Mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB tại Việt Nam hiện đang khá phát triển.

Tổng quan về mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB

AIRBNB là viết tắt của cụm từ AirBed and Breakfast, là một startup với mô hình kết nối người cần thuê nhà, thuê phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua ứng dụng di động tương tự như ứng dụng chia sẻ xe Uber. AIRBNB sử dụng hình thức thanh toán là thẻ tín dụng và các trung gian sẽ thu một khoản phí đối với cả người cần đặt phòng và chủ nhà.

Với mô hình này, chủ nhà trên AIRBNB có thể tận dụng lợi thế của nền tảng internet theo nhiều hình thức khác nhau như: Cho thuê toàn bộ ngôi nhà, cho thuê một số phòng riêng, phòng ở ghép từ 2 khách trở lên cho một phòng. Theo mô hình này, giá thuê phòng rẻ hơn, chất lượng dịch vụ vẫn được đảm bảo theo yêu cầu của khách hàng.

Hiện nay, AIRBNB ngày càng được nhiều người lựa chọn để đặt phòng bởi nó mang lại nhiều tiện ích. AIRBNB tạo điều kiện để nhiều người có thể đi du lịch với chi phí rẻ, đồng thời, mang đến những trải nghiệm độc đáo, mới lạ khi lưu trú. Người lưu trú sẽ được ở tại các căn hộ của người dân bản địa, trải nghiệm đời sống, văn hóa địa phương. Không chỉ tiết kiệm chi phí lưu trú, mang đến trải nghiệm mới mẻ, AIRBNB còn mang doanh thu cho các hộ gia đình có phòng trống, ít sử dụng.

Đặt phòng và lưu trú thông qua AIRBNB, cả khách hàng và người cho thuê đều có thể đánh giá lẫn nhau sau mỗi lần sử dụng dịch vụ. Nếu bạn phục vụ tốt, khách hàng hài lòng, sẽ để lại những phản hồi tích cực trên hệ thống và thu hút sự quan tâm, lựa chọn của nhiều khách hàng khác. Ở chiều ngược lại, nếu khách hàng lưu trú theo hình thức AIRBNB nhưng không lịch sự với chủ nhà, họ có thể sẽ không được tiếp tục thuê phòng.

Đặc biệt, khi du lịch theo nhóm, việc thuê cả căn nhà sẽ tiết kiệm hơn và người thuê có toàn quyền sử dụng dịch vụ tại đó mà không phải chia sẻ với bất kỳ một người lạ nào. Người thuê có thể chọn lựa tham gia hoặc bỏ qua các dịch vụ đi kèm để linh hoạt thay đổi lịch trình chuyến du lịch của mình.

Mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB mang lại đã tác động nhất định đến phương thức kinh doanh lưu trú truyền thống, cụ thể như sau:

Thứ nhất, mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB là một mô hình trung gian kết nối giữa người cho thuê phòng và khách du lịch nhưng mô hình kinh doanh lưu trú theo phương thức kinh tế chia sẻ đã giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận và khai thác sử dụng những tài sản mà họ không sở hữu và không có điều kiện sở hữu riêng (căn hộ; phòng nghỉ); đồng thời giúp người sở hữu tài sản (chủ của các căn hộ, phòng nghỉ) có cơ hội để tăng thêm thu nhập do đó trong tương lai, sự lớn mạnh của mô hình này sẽ là mối đe dọa với mô hình kinh doanh lưu trú truyền thống.

Thứ hai, mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB đem lại cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn cho kỳ nghỉ của mình. Nếu bạn đi nghỉ dưỡng cùng gia đình hoặc với số lượng bạn bè lớn, có thể thuê được những biệt thự, villas gồm nhiều phòng với giá rẻ. Với những ai thích du lịch bụi và muốn tiết kiệm chi phí lưu trú tối đa, có thể chọn hình thức này để nghỉ ngơi.

Thứ ba, sự xuất hiện của mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB buộc các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh mạnh mẽ. Không thể phủ nhận với mạng lưới phòng nghỉ và căn hộ cho thuê phủ rộng ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, phương thức thanh toán đơn giản tiện ích và đặc biệt là sự trải nghiệm một hình thức lưu trú hoàn toàn mới với sự tiện ích, tự do thoải mái lại khá gần gũi với cộng đồng dân cư là những lợi thế mà mô hình kinh doanh này đem lại cho người tiêu dùng. Sự phát triển của mô hình này đã khiến cho thị phần của các khách sạn truyền thống đang ngày càng bị thu hẹp.

Thứ tư, với phương thức hoạt động khá linh hoạt lại tận dụng tối đa sự trợ giúp của công nghệ, hình thức kinh doanh lưu trú theo mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB có khả năng tiếp cận với khách hàng rộng rãi. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp khách sạn vừa và nhỏ còn rất nhiều hạn chế.

Thực trạng phát triển mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB tại Việt Nam

Xuất hiện trên bản đồ AIRBNB từ năm 2015 với vài nghìn phòng cho thuê, Việt Nam nhanh chóng trở thành điểm đến có mức tăng trưởng căn hộ/ phòng đăng kí cho thuê hàng đầu hiện nay. Theo nghiên cứu, trong giai đoạn 2016 - 2018, tại TP. Hồ Chí Minh có tổng cộng gần 100.000 căn hộ được đưa vào sử dụng theo mô hình này. Một tỷ trọng rất lớn chung cư được giới đầu tư khai thác kinh doanh dịch vụ với AIRBNB.

Ở Việt Nam hiện có nhiều loại hình lưu trú khác nhau để khách lựa chọn theo nhu cầu và điều kiện của mình. Nhiều gia đình có điều kiện thường mua các biệt thự, villas ven biển hoặc tại các điểm du lịch nhưng tần suất sử dụng rất ít, họ chỉ đến nghỉ ngơi vào những dịp lễ, cuối tuần... Phần lớn thời gian còn lại, các biệt thự, villa này bị bỏ trống và từ khi có AIRBNB đã trở thành nơi cho thuê lưu trú.

Theo Báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh quý III/2018 của CBRE Việt Nam, mô hình chia sẻ phòng lưu trú đang trở thành đối thủ đáng gờm của loại hình căn hộ dịch vụ vì thời gian cho thuê và giá thuê cực kỳ linh hoạt. Lượng khách du lịch đến Việt Nam trong những năm qua tăng nhanh, Việt Nam đặt mục tiêu chạm mốc 10 – 10,5 triệu lượt khách quốc tế và 47 - 48 triệu lượt khách du lịch nội địa. Đây sẽ là điều kiện lý tưởng để AIRBNB Việt Nam mở rộng mô hình trong thời gian tới. Nhiều người dân bắt đầu tận dụng phòng trống, nhà trống để đăng ký kinh doanh theo mức độ AIRBNB. Đặc biệt, tại các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nha Trang, Vũng Tàu - những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, mô hình AIRBNB phát triển mạnh mẽ.

Theo Báo cáo “Homesharing Vietnam Insights” giai đoạn 2015 - 2019 của Outbox Consulting, số lượng phòng AIRBNB ở Việt Nam đã lên đến 40.804 cơ sở, tăng hơn 40 lần chỉ sau 4 năm - từ con số 1.000 trong năm 2015 lên tới hơn 40.000 vào đầu năm 2019. Trong đó, tốc độ tăng trưởng số lượng căn hộ/phòng đăng ký cho thuê hàng năm tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng luôn đạt mức cao. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng số lượng dịch vụ cho thuê hàng năm trên AIRBNB tại TP. Hồ Chí Minh là 97%, ở Hà Nội là 112% và Đà Nẵng là 111%.

Ngoài ra, nhiều điểm du lịch nổi tiếng cũng bắt đầu nở rộ mô hình chia sẻ phòng lưu trú như Sa Pa, Hạ Long… Theo Outbox Consulting thống kê, cộng đồng phát triển mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB tại Việt Nam tập trung chính ở miền Nam với mức tăng trưởng 42,3%, miền Bắc chiếm 27,2%, con số này ở khu vực miền Trung là 26,2%. Việc này giúp tận dụng nguồn thu từ những phòng không sử dụng mà cũng không phải chịu ràng buộc về hợp đồng thuê dài hạn. Theo thống kê, tỷ lệ cho thuê theo mô hình phòng riêng là 49% và mô hình nhà nguyên căn là 47%.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 18.230 chủ nhà cho thuê các cơ sở lưu trú trên nền tảng này và có đến 69% số căn hộ/phòng ngủ cho thuê trên nền tảng AIRBNB tại Việt Nam là multi-listing host, tức là những người chủ có nhiều hơn 1 căn hộ/phòng nghỉ cho thuê cùng lúc. Báo cáo nhận định chia sẻ phòng lưu trú không đơn thuần giúp tăng thu nhập mà còn trở thành sản phẩm kinh doanh với mức lợi nhuận cao. Cụ thể, trung bình doanh thu hàng tháng của chủ nhà ở TP. Hồ Chí Minh trong mùa cao điểm là 11,5 triệu đồng và 8,3 triệu đồng vào mùa thấp điểm. Trong khi những con số này ở Hà Nội lần lượt là 6,78 triệu đồng và 5,2 triệu đồng.

Điều này chứng tỏ những nền tảng như AIRBNB nói chung không còn đơn thuần là nguồn tăng thu nhập cho những cá nhân có chỗ ở nhàn rỗi, mà đang trở thành sản phẩm kinh doanh du lịch hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch, mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB hứa hẹn sẽ là một mô hình đầu tư hấp dẫn, góp phần đa dạng hóa các hình thức lưu trú dành cho du khách tại Việt Nam.

Giải pháp phát triển mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB

Mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB đòi hỏi những người tham gia phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng, những hiểu biết cụ thể về thị trường, môi trường kinh doanh cũng như các đối thủ cạnh tranh, qua đó, tối ưu hóa được doanh thu và công suất phòng cho thuê. Ở góc độ vĩ mô, mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các nhà quản lý. Để phát triển mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, địa điểm là chìa khóa, chọn vị trí bất động sản gần địa điểm du lịch hoặc sân bay. Bất động sản nên được kết nối với hạ tầng giao thông tốt và các tiện ích đi kèm như cửa hàng tiện lợi hoặc khu ẩm thực.

Thứ hai, việc quản lý nhiều địa điểm lưu trú trong cùng thời điểm là điều không dễ dàng, đặc biệt là khi chủ nhà đang tự quản lý nhưng đó không phải là chuyên môn của họ. Hơn nữa, việc thiếu kinh nghiệm quản lý có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về an ninh, thiệt hại tài sản và danh tiếng. Vì vậy, chủ nhà nên thuê nhân viên quản lý có kinh nghiệm để đảm bảo khoản đầu tư lâu dài.

Thứ ba, ưu tiên các yếu tố trải nghiệm. Trước khi đầu tư, hãy nghĩ xem cơ sở của bạn mang lại điều gì tuyệt vời hơn những khách sạn truyền thống trong cùng mức giá. Airbnb sử dụng chiến lược “trải nghiệm cùng người địa phương” cộng với “giá cả cạnh tranh” là chìa khóa vàng để thành công. Phần lớn khách du lịch phượt sẽ chọn phương án nhà ở trải nghiệm thay vì phòng khách sạn truyền thống. Dân du lịch mong muốn có những trải nghiệm thú vị với người dân địa phương, hiểu thêm về văn hóa, ăn thêm một món lạ, những kiểu trang trí độc nhất, bất cứ điều gì từ việc thưởng thức ly cà phê pha phin trong nhà bếp cho đến những chiếc đèn hình dáng nón lá đều sẽ làm bạn khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.

Thứ tư, nhà đầu tư phải nắm rõ những thủ tục đăng ký kinh doanh cần thiết cho mô hình lưu trú này tại các thị trường mục tiêu, nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh được thuận lợi và lâu dài.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo: Homesharing Vietnam Insights;
2. Top 5 xu hướng định hình bất động sản Việt Nam 2019 - Công ty Dịch vụ bất động sản toàn cầu JLL;
3. Một số website: fr.airbnb.com/s/Vietnam,outbox-consulting.com/;
4. What are the pros and cons of using Airbnb vs a hotel? - Stepa Mitaki, Product Manager at mos.ru; Co-founder at MyCity.io.

Đoàn Thị Ngọc Hân, Bành Thị Thảo - Khoa Kinh tế, Đại học Vinh

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2019

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/phat-trien-mo-hinh-chia-se-phong-luu-tru-tren-nen-tang-airbnb-tai-viet-nam-va-van-de-dat-ra-312048.html