Phát triển mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP

PTĐT - Từ bao đời nay, cây chè đã trở thành cây 'xóa đói, giảm nghèo', tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở các vùng nông thôn, miền núi với nguồn thu nhập ổn định.

Gia đình ông Nguyễn Văn Phúc ở khu 10, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa chuyển từ sản xuất chè thô sang chè xanh, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 - 2 lần.- Hút chân không và đóng gói sản phẩm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Phúc ở khu 10, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa chuyển từ sản xuất chè thô sang chè xanh, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 - 2 lần.- Hút chân không và đóng gói sản phẩm.

PTĐT - Từ bao đời nay, cây chè đã trở thành cây “xóa đói, giảm nghèo”, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở các vùng nông thôn, miền núi với nguồn thu nhập ổn định. Toàn tỉnh hiện có trên 16,1 nghìn ha chè, hình thành được 158 vùng sản xuất chè tập trung với quy mô từ 5 - 20 ha/vùng, trong đó diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn đạt trên 3.100ha. Nhằm phát huy lợi thế, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đưa ngành chè Phú Thọ phát triển theo hướng bền vững, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chè trên thị trường. Nhiều chương trình hỗ trợ đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh được thực hiện tổng thể các giải pháp từ cải tạo giống chè, chăm sóc, thu hái đến khâu chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm đã góp phần nâng cao giá trị từ sản xuất chè nói chung và sản xuất chè xanh nói riêng. Hiện nay, dự án cải thiện nông nghiệp có tưới WB7 đang được triển khai nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp và bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã triển khai hợp phần 3 của dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” (WB7), hướng dẫn người dân cách thâm canh chè, hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và mở các lớp tập huấn kết hợp thực hành tại nương chè để nâng cao trình độ, năng lực, kỹ thuật sản xuất và chế biến chè xanh. Đồng thời, tiến hành khảo sát, lựa chọn và xác định các vị trí thuận lợi để đặt bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng, hạn chế tình trạng vứt rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Tính đến hết tháng 9 năm 2019, dự án đã hỗ trợ phân bón vi sinh và thuốc BVTV sinh học; cấp 125 bể chứa bao bì thuốc BVTV cho 14 xã thuộc 6 huyện gồm: Đoan Hùng, Hạ Hòa, Phù Ninh, Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc BVTV cho 200 hộ trồng chè của các huyện được hưởng thụ từ dự án.

Người dân ở làng nghề sản xuất và chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê sử dụng phương pháp hái chè bằng tay để đảm bảo tiêu chí "một tôm hai lá".

Người dân ở làng nghề sản xuất và chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê sử dụng phương pháp hái chè bằng tay để đảm bảo tiêu chí "một tôm hai lá".

Về xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa nhìn những nương chè tươi tốt sắp bước vào thời kỳ thu hái đủ để thấy được công sức của người dân nơi đây. Trước đây, người dân chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, ít chú ý đến quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên nên năng suất chè không cao, thêm vào đó, việc người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học chưa hợp lý, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chè thành phẩm. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, vài năm gần đây, những lớp tập huấn, bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến và bảo quản sản phẩm chè xanh theo phương pháp mới thường xuyên được tổ chức. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Ngọc - Chủ tịch UBND xã Yên Kỳ cho biết: “Đến nay, toàn xã có gần 30ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với vùng nguyên liệu đầu vào được đảm bảo đã tạo điều kiện để phát triển nghề chế biến chè xanh. Một số hộ đã mạnh dạn đầu tư máy vò, máy xao, máy hút chân không để chế biến sản phẩm chè xanh bán ra thị trường với giá dao động từ 150.000 - 220.000 đồng/kg, cao gấp 3 - 4 lần so với trước bán chè thô”.

Để đảm bảo chất lượng chè xanh, sau khi thu hái búp chè tươi được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Để đảm bảo chất lượng chè xanh, sau khi thu hái búp chè tươi được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Việc triển khai, hỗ trợ người dân sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP của dự án WB7 bước đầu đã có những thay đổi về tư duy, nhận thức của người dân trong phương thức và cách thức sản xuất chè an toàn. Các hộ đã được hướng dẫn cách thu hái búp chè tươi bằng hình thức hái tay, đảm bảo tiêu chí “một tôm hai lá”, đúng thời kỳ, đúng lứa để nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, khắc phục những hạn chế trong quá trình sản xuất chè như: Tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, phân bón chuyên dụng, đặc biệt là phân hữu cơ vi sinh giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu; hạn chế tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu hóa học ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, ô nhiễm nguồn đất, nước, không khí và tiết kiệm chi phí đầu tư, nhân công lao động. Từ việc chú trọng vào khâu sản xuất và chế biến, chất lượng sản phẩm chè xanh Phú Thọ ngày càng được khẳng định, chiếm được vị thế trên thị trường. Nhiều địa phương đã xây dựng thành công nhãn hiệu sản phẩm, có đầy đủ nhãn mác, sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng và tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Nhờ đó, sản phẩm chè xanh đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành bởi ngoài độ ngon còn phù hợp với “túi tiền” của nhiều người tiêu dùng. Thời gian tới, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tiếp tục mở nhiều hội nghị, hội thảo kết nối tiêu dùng, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm chè xanh Phú Thọ tại các hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp… để sản phẩm chè xanh Phú Thọ vươn xa ra các tỉnh, thành phố trên cả nước và hướng tới xuất khẩu.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201911/phat-trien-mo-hinh-san-xuat-va-tieu-thu-che-an-toan-theo-tieu-chuan-vietgap-167895