Phát triển năng lượng điện với tầm nhìn xa

Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Thời gian qua, công tác này đã được khẩn trương xúc tiến xây dựng, hoàn thiện dự thảo cũng như báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương phê duyệt Quy hoạch điện VIII.

Đây được xem là một quy hoạch ngành rất quan trọng, bởi Quy hoạch điện VIII phải đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện ổn định và có chất lượng cao với giá thành hợp lý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Do vậy Quy hoạch điện VIII cần được nghiên cứu, xây dựng một cách bài bản, khoa học và tiến hành lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có ý kiến từ các đối tác quốc tế… Mục tiêu hướng đến là giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, thay vào đó tập trung gia tăng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (nhất là điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối…).

Bình Thuận sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển điện gió trên bờ lẫn ngoài khơi (Ảnh: Ngọc Lân).

Bình Thuận sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển điện gió trên bờ lẫn ngoài khơi (Ảnh: Ngọc Lân).

Được biết vào đầu tháng 5/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tham vấn quốc tế về Quy hoạch điện VIII nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến đóng góp của các đối tác, tổ chức quốc tế. Qua đó giúp cơ quan chức năng hoàn thiện nội dung quy hoạch đảm bảo tính khách quan, khoa học, khả thi, hướng tới việc phát triển ngành năng lượng Việt Nam bền vững, đạt những mục tiêu chung về an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu...

Với Bình Thuận là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển đa dạng nguồn năng lượng như thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời và được định hướng trở thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia. Tính đến nay, Bình Thuận có 47 nhà máy điện đưa vào vận hành phát điện (gồm: 4 nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, 7 nhà máy thủy điện, 9 nhà máy điện gió, 26 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện diesel tại huyện đảo Phú Quý) với tổng công suất hơn 6.520 MW. Có thể nói, ngoài việc đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lĩnh vực năng lượng điện còn góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Liên quan vấn đề này, mới đây UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung khi về làm việc tại địa phương vào cuối tháng 4/2023 vừa qua. Trong đó có xem xét đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII các dự án, công trình nguồn điện (đặc biệt là điện gió ngoài khơi, điện khí LNG), lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh… Hiện xu hướng đầu tư các dự án điện gió trên biển (ngoài khơi) là hướng đi mới cho phát triển năng lượng tái tạo, với Bình Thuận cũng đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm.

Như vậy để phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo nói chung và lĩnh vực điện gió ngoài khơi nói riêng, địa phương còn đề nghị cấp thẩm quyền xem xét chỉ đạo xây dựng chính sách, quy định về việc chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư các dự án quy mô đối với ngành công nghiệp phụ trợ. Thông qua đó tạo điều kiện phát triển nhanh và tăng dần tỷ trọng nội địa hóa trang thiết bị kỹ thuật, nhất là trang thiết bị có công nghệ cao, công nghệ nguồn như các tua - bin gió công suất lớn hoặc ngành công nghiệp môi trường xử lý máy móc thiết bị của ngành năng lượng tái tạo hết hạn sử dụng nhằm tận dụng, tái chế đem hiệu quả cao nhất…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phat-trien-nang-luong-dien-voi-tam-nhin-xa-108818.html