Phát triển năng lượng tái tạo (Kỳ 2): Cơ chế 'mở' để thu hút tư nhân
Việc buộc phải giảm phát năng lượng tái tạo trong thời gian qua cho thấy quy hoạch tổng thể ngành điện đang chưa đánh giá đúng tiềm năng của doanh nghiệp tư nhân.
Song song với sự phát triển nền kinh tế, đầu tư các dự án năng lượng tái tạo đang nhận được nhiều sự kỳ vọng. Tuy nhiên, các “điểm nghẽn” như lập quy hoạch, đầu tư lưới điện… đang hạn chế sự phát triển này; do đó, trọng tâm cần phải có một bản quy hoạch ngành điện cụ thể cùng cơ chế mở để thu hút đầu tư tư nhân.
Chia sẻ thực tế tại địa phương, ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, riêng về điện gió trên bờ, theo quy hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt trước đây, tổng quy hoạch trên địa bàn là 1.429MW. Theo quy hoạch trước đây, một trụ vị trí chỉ đạt khoảng 1,2MW. Bây giờ, nhờ áp dụng công nghệ, một trụ có thể thu được lên đến 4,2MW. Cho nên quy hoạch của 1.429MW, thì với công nghệ hiện nay cũng phải hơn 2.000MW điện gió trên bờ.
Bên cạnh đó, trong quy hoạch điện sơ đồ VII, liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo đặt ra rất thấp; chưa dự liệu được tốc độ thay đổi về mặt công nghệ, yếu tố triển khai các dự án của doanh nghiệp trong nước… “Dự kiến lúc đầu, làm một dự án năng lượng tái tạo có thể kéo dài khoảng 1-2 năm. Nhưng thực tế, doanh nghiệp có thể triển khai trong vòng 3 tháng là xong một dự án lớn. Tất cả yếu tố này dẫn đến truyền tải không đáp ứng yêu cầu phát triển”, ông Hậu cho hay. Trong khi đó như ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thông tin thì đường truyền tải hệ thống 500kw phải mất đến 5 năm mới xây dựng được.
Chia sẻ tại Diễn đàn Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp vừa tổ chức, ông Đinh Thế Phúc – Vụ trưởng Vụ năng lượng, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, điều cần nhất lúc này là tuân thủ quy hoạch. “Thời gian vừa qua chúng ta đã có sự phát triển nóng, do đó, cần quy hoạch thời điểm nào, cần nguồn điện bao nhiêu, phân bổ cho từng loại điện gió, mặt trời… như thế nào”, ông Phúc nhấn mạnh.
Ông Lê Hải Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng công nghệ (IRAT) cho rằng “nhà nước không nên độc quyền xây dựng và vận hành hệ thống truyền tải mà nên huy động nguồn lực xã hội nhất là doanh nghiệp tư nhân”. Tuy nhiên, làm thế nào cho khu vực tư nhân tham gia vào phát triển mạng lưới truyền tải điện? Các chuyên gia năng lượng cho rằng bắt buộc phải có cơ chế đột phá, tự do hóa một phần (vẫn phải đảm bảo an ninh năng lượng – PV) và mấu chốt nhất vẫn là phải đảm bảo cơ chế giá hấp dẫn.
Theo Enternews.vn (Còn tiếp)