Phát triển nền nông nghiệp bền vững ở Trà Vinh: Bài 1 - Nhiều thách thức

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyển đổi một số loại cây trồng để tăng hiệu quả trên cùng một đơn vị sản xuất.

Nông dân huyện Trà Cú thu hoạch mía niên vụ 2018-2019. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Nông dân huyện Trà Cú thu hoạch mía niên vụ 2018-2019. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản chịu sự tác động lớn về đầu ra, sức cạnh tranh của nền kinh tế thị trường nên chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều thách thức. Tỉnh Trà Vinh cần những giải pháp hữu hiệu để phát triển nông nghiệp bền vững.

Bài 1: Nhiều thách thức

Trà Vinh có vùng nguyên liệu mía đường lớn nằm tại huyện Trà Cú. Diện tích này hơn 40 năm trước đa phần trồng lúa nhưng do thường xuyên thiếu nước tưới vào mùa khô nên năng suất và chất lượng lúa rất thấp. Kể từ khi chuyển đổi sang trồng mía, hơn 5.000 hộ dân địa phương có thu nhập khá ổn định.

Do thích nghi điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, nên vùng mía nguyên liệu của Trà Cú cho năng suất và chất lượng rất cao. Mía là cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên vùng đất bị nhiễm mặn vào mùa khô của huyện Trà Cú với năng suất ổn định khoảng 100 tấn/ha, đem lại nguồn thu cho nông dân từ 30-40 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 3 – 4 lần so với cây lúa được trồng trên cùng vùng đất.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều niên vụ trồng mía của nông dân liên tục gặp khó về giá cả, thị trường tiêu thụ khiến thu nhập bấp bênh. Nông dân không còn “mặn mà” với cây mía. Cụ thể, niên vụ mía 2019-2020, huyện Trà Cú chỉ trồng 2.436 ha, giảm hơn 1.222 ha so với niên vụ trước và giảm gần 2.000 ha so với vụ mía 2016-2017.

Ngưng sản xuất mía, nông dân chuyển sang các cây trồng, vật nuôi khác. Điều đáng lo ngại, việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi của huyện Trà Cú đều theo phong trào, chưa mang tính bền vững. Thậm chí, có hơn 620 ha được chuyển ngược trở lại trồng lúa; trong khi diện tích này trước đây được đánh giá sản xuất lúa không hiệu quả.

Theo ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, diện tích trồng mía chuyển ngược trở lại trồng lúa này tuy vẫn đảm bảo lượng nước tưới trong suốt quá trình sản xuất, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời để không thất thu trắng tay so với trồng mía bị thua lỗ liên tiếp 3 niên vụ.

Thời gian tới, ngành mía đường Việt Nam tiếp tục gặp khó do giá thành sản xuất đường của các nhà máy mía đường trong nước cao hơn sơn so với giá đường nhập khẩu nên rất khó cạnh tranh. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đang phối hợp với địa phương xây dựng Đề án chuyển đổi đất trồng mía kém hiệu quả nhằm giúp nông dân chuyển đổi theo quy hoạch; đảm bảo tính bền vững về lâu dài, giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất.

Không chỉ có cây mía, Trà Vinh còn có diện tích trồng dừa đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre với khoảng 20.000 ha, cho sản lượng hơn 150 triệu quả/năm. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, cây cho quả chất lượng tốt, cơm dày, hàm lượng dầu cao. Các chuyên gia đánh giá, dừa là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Vì thế, giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã tranh thủ nguồn lực hàng chục tỷ đồng từ Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (do Chính phủ Canada tài trợ) để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong tỉnh nâng cấp chuỗi giá trị dừa.

Nhưng 2 năm trở lại đây, giá dừa liên tục ở mức thấp, tiền bán không đủ trang trải chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công… nên người trồng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều nhà vườn đã phá bỏ diện tích trồng dừa, chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, quýt đường hoặc cam sành…

Ông Dương Văn Khá, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành cho biết, năm 2018, ông đã chuyển đổi 1 ha dừa sang trồng bưởi da xanh và dự định cuối năm nay tiếp tục chuyển đổi khoảng 0,5 ha. Tuy giá dừa 4 tháng nay đã tăng trở lại nhưng ông Khá vẫn quyết định đốn bỏ cây dừa để trồng bưởi da xanh, bởi theo ông, đầu ra của trái bưởi da xanh nhiều năm nay khá ổn định, luôn ở mức trên 35.000 đồng/kg đối với bưởi loại I. Vườn bưởi da xanh 1,5 công (khoảng 1.500m2) hơn 5 năm tuổi của gia đình luôn cho năng suất ổn định trên 2,5 tấn/công/năm. Nhờ vậy, thu nhập từ 1 công trồng bưởi cao gấp 10 lần so với dừa.

Theo ông Nguyễn Quốc Vĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, trong số gần 2.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã, những năm trước cây dừa chiếm hơn 40% diện tích. Nhưng 2 năm nay, giá dừa liên tục “lao dốc” nên thu nhập của người trồng giảm đáng kể. Vì vậy, nhiều nhà vườn đốn bỏ, chuyển sang trồng các loại cây khác. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, nhà vườn đã phá bỏ hơn 100 ha dừa chuyển sang trồng bưởi da xanh và thanh long ruột đỏ. Hiện toàn xã chỉ còn khoảng 680 ha dừa.

Trước tình trạng này, địa phương đã vận động nông dân giữ lại diện tích dừa bởi đây là cây trồng có lợi thế, đang được ngành chuyên môn hỗ trợ nâng cấp chuỗi giá trị. Dừa là cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu và không tốn nhiều công chăm sóc; trong khi thị trường đầu ra của nông sản hiện rất khó đoán. Nhiều nhà vườn khi đốn bỏ cây dừa đã từng chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ nhưng sản xuất không hiệu quả nên tiếp tục phá bỏ thanh long rồi lại chuyển sang trồng bưởi da xanh. Hiện toàn xã có 265 ha bưởi da xanh và dự kiến vẫn tiếp tục mở rộng diện tích. Tuy nhiên, đầu ra của bưởi da xanh khi cung vượt cầu cũng đáng lo ngại.

Không chỉ cây trồng sản xuất truyền thống gặp khó khăn về đầu ra, cả những sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ cũng chịu chung số phận. Đơn cử, lúa hữu cơ của 2 xã đảo Long Hòa và Hòa Minh (huyện Châu Thành) đã được công nhận đạt chuẩn quốc tế nhưng 3 năm qua vẫn phải “loay hoay” tìm đầu ra. Điều này khiến nông dân không mặn mà với sản xuất lúa hữu cơ khiến diện tích liên tục bị thu hẹp. Đến vụ Thu Đông 2019 này, nông dân địa phương chỉ xuống giống hơn 80 ha, giảm gần 50 ha so với vụ trước và giảm khoảng 150 ha so với vụ Thu Đông 2017.

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh thừa nhận, ngay cả chính quyền địa phương cũng gặp khó khăn, lúng túng trong việc hướng dẫn người dân lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, dẫn đến tình trạng được mùa mất giá thường xuyên diễn ra. Đa phần nông dân phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Bài 2: Tìm giải pháp hữu hiệu

Thanh Hòa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/phat-trien-nen-nong-nghiep-ben-vung-o-tra-vinh-bai-1-nhieu-thach-thuc-20191126171046317.htm