Phát triển nền tảng số của Công đoàn
Truyền thông trong bối cảnh mới là truyền thông đa phương tiện và tùy thuộc điều kiện thực tế từng địa phương để lựa chọn phương thức phù hợp, mang lại hiệu quả tối đa. Để đẩy mạnh truyền thông tới 11 triệu đoàn viên công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần phát triển nền tảng số của Công đoàn để cung cấp các nội dung về hoạt động Công đoàn, nội dung người lao động quan tâm (chế độ, chính sách, tiền lương…). Đây cũng là công cụ tập hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người lao động trực tiếp để phân tích, phân loại và có giải pháp kịp thời…
Đó là nội dung Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh tại Tọa đàm khoa học “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng qua, 14.12 với hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 10 điểm cầu trên toàn quốc.
Tiếp tục là chuyên đề quan trọng triển khai các khâu đột phá
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân nhấn mạnh: trong bối cảnh mới, nguồn thông tin ngày càng phong phú, đa chiều, dân chủ xã hội tiếp tục được mở rộng, dân trí không ngừng nâng cao, sự bùng nổ của công nghệ và các hình thức truyền thông gắn với công nghệ đặt ra những yêu cầu mới và ngày càng cao đối với truyền thông công đoàn.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ 2023 - 2028 và gợi mở một số giải pháp: “Các hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục cần đa dạng, quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin đi đôi với các phương thức, hình thức truyền thống, nhất là đi sâu đi sát, cùng làm việc, sinh hoạt, chia sẻ, vận động đoàn viên, người lao động. Đổi mới hình thức tuyên truyền, đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với công nhân, viên chức, người lao động”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam, giai đoạn 2023 - 2028” tiếp tục được xác định là một chuyên đề quan trọng triển khai các khâu đột phá của nhiệm kỳ - ông Huỳnh Thanh Xuân nhấn mạnh.
Để Chương trình được xây dựng bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028. Mục đích nhằm tập trung trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ công đoàn các cấp trong triển khai nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn trong nhiệm kỳ mới.
Trao đổi, thảo luận thẳng thắn, khoa học
Tại tọa đàm, với kiến thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ công đoàn cơ sở đã trao đổi, thảo luận thẳng thắn, khoa học. Tập trung làm rõ những vấn đề đặt ra với công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ tới; góp ý cho Dự thảo Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028”.
Trong đó, nổi bật là đề xuất các giải pháp như: đẩy mạnh truyền thông đồng bộ ở tất cả các cấp công đoàn; làm rõ hơn đối tượng truyền thông (đối tượng trực tiếp, đối tượng liên quan…); cần có thiết chế, nguồn lực, chuyên viên phụ trách truyền thông để đẩy mạnh truyền thông tại công đoàn cơ sở; thêm các thông tin chỉ dẫn, hướng dẫn… tại các app của công đoàn. Truyền thông đa dạng các nội dung về các hoạt động của tổ chức, đặc biệt tập trung chia sẻ những chính sách, cơ chế liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động; ưu tiên truyền thông theo tình hình thực tế tại địa phương, có thể bằng các kênh truyền thống (dán poster, radio, áp phích…) hay công nghệ số (facebook, zalo, tiktok…); tăng cường chia sẻ thông tin, sản phẩm truyền thông dùng chung trong các cấp công đoàn…
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh: truyền thông trong bối cảnh mới là truyền thông đa phương tiện và tùy thuộc điều kiện thực tế từng địa phương để lựa chọn phương thức phù hợp, mang lại hiệu quả tối đa. Truyền thông cần truyền tải những nội dung tích cực đến với đoàn viên, người lao động. Để đẩy mạnh truyền thông tới 11 triệu đoàn viên công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần phát triển nền tảng số của Công đoàn để cung cấp các nội dung về hoạt động Công đoàn, nội dung người lao động quan tâm (chế độ, chính sách, tiền lương…). Đây cũng là công cụ tập hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng người lao động trực tiếp để phân tích, phân loại và có giải pháp kịp thời. Cùng với đó, chú trọng đào tạo kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn thông qua các khóa học online, nền tảng đào tạo trực tuyến…