Phát triển ngành chăn nuôi khép kín để đáp ứng nhu cầu của thị trường
Phát triển ngành chăn nuôi cần tập trung giảm dần tình trạng sản xuất manh mún, gia tăng chăn nuôi khép kín gắn với chế biến sâu để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đây là nhận định chung được đưa ra của nhiều chuyên gia tại hội thảo đánh giá kết quả "Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040", do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết, ngành chăn nuôi hiện nay đã phát triển với tốc độ cao, ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa, đã tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho từ 6 - 6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp hiện nay ở nước ta. Sản phẩm của ngành chăn nuôi không chỉ đáp ứng đủ, đa dạng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn gia tăng xuất khẩu với số lượng lớn qua nhiều thị trường các nước.
Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành chăn nuôi Việt Nam đã đạt 855,4 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu gần 8.800 tấn thịt heo, trị giá 44 triệu USD; gần 17.800 tấn thịt gia cầm, 18,8 triệu USD và 7,4 triệu quả trứng, 1,4 triệu USD; mặt hàng mật ong gần 23.000 tấn, 28,7 triệu USD; sữa và các sản phẩm từ sữa đạt 230 triệu USD; nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi đạt 516 triệu USD… Dự kiến trong năm 2019, ngành chăn nuôi của Việt Nam xuất khẩu sẽ đạt kim ngạch 1,2 tỷ USD, trong đó nhiều sản phẩm của ngành chăn nuôi hiện đã đến được với nhiều thị trường đòi hỏi chất lượng của sản phẩm ở mức cao như Mỹ, Nhập Bản, các nước châu Âu.
Ông Phùng Đức Tiến thông tin, về mặt hàng thịt gà, tổng sản lượng xuất khẩu năm 2018 của Việt Nam đạt 25.762 tấn, tăng 124% so với năm 2017. Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch được 171 lô thịt gà chế biến sang Nhật Bản, đạt 1.080 tấn, trị giá gần 6 triệu USD. Trong năm 2018, Việt Nam cũng xuất khẩu được gần 40 triệu quả trứng các loại; 9 doanh nghiệp được xuất khẩu trứng gà thương phẩm và sản phẩm trứng muối sang Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào, Australia và Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) và 1 doanh nghiệp xuất khẩu trứng gà giống sang Myanmar. Cũng trong năm 2018, có 18 doanh nghiệp đăng ký kiểm dịch xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang 17 nước, tổng sản lượng xuất khẩu 11.450 tấn, tăng gần 84% so với năm 2017. Đáng chú ý, cuối tháng 10/2019, Công ty Sữa TH đã ký hợp đồng xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên với đối tác Trung Quốc, mở ra cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu sữa vào Trung Quốc, vốn là thị trường có nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu sữa rất lớn.
Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi - đánh giá, ngành chăn nuôi ở nước ta đã có sự phát triển so với trước đây nhưng tình trạng sản xuất còn manh mún, mức đầu tư thấp, trình độ quản lý kém khiến năng suất, chất lượng thấp, khó kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Mặt khác, năng lực giết mổ tập trung, chế biến sản phẩm chăn nuôi của các doanh nghiệp hiện nay còn hạn chế, chủ yếu giết mổ nhỏ lẻ, chế biến thủ công nên giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, khó tiếp cận thị trường xuất khẩu. Chưa hết, điểm yếu của ngành chăn nuôi hiện nay là thiếu tính liên kết, chưa xây dựng được các chuỗi giá trị từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ… dẫn đến sản lượng thu hoạch dù lớn nhưng giá trị thương phẩm còn rất hạn chế.
Làm gì để ngành chăn nuôi hướng đến hội nhập, đặc biệt là vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao giá thành, sản xuất sạch là vấn đề đã được các chuyên gia bàn thảo và thống nhất cho rằng ngành chăn nuôi không sớm thay đổi sẽ bị tụt hậu, chí ít là so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2030, ngành chăn nuôi định hướng phát triển các loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh và thích ứng với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm chăn nuôi bao gồm heo, gia cầm, bò sữa, bò thịt được sản xuất theo hướng hàng hóa trong các trang trại hiện đại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp để đảm bảo năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Để thực hiện mục tiêu này, ngành chăn nuôi cần có giải pháp như đổi mới khoa học và công nghệ chăn nuôi; thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh bằng chăn nuôi an toàn sinh học; nâng cao năng suất, chất lượng con giống, quy hoạch và tổ chức hiệu quả hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi và ưu tiên đầu tư để chế biến sâu. Các chính sách như bảo hiểm vật nuôi để hỗ trợ cho các trang trại, hộ nông dân nhỏ lẻ trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra rất phức tạp, ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu nông dân và cả ngành nông nghiệp cũng cần được xây dựng và thực thi.
Ông Nguyễn Văn Mấy - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh – phân tích, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, nếu chỉ xây dựng chiến lược phát triển các sản phẩm là chưa đủ, điều cần thiết là khâu sản xuất phải gắn liền với định hướng thị trường. Ông Mấy cho rằng, hiện nay thị trường hàng hóa, thực phẩm vốn rất đa đạng, nguồn cung dồi dào từ nguồn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu. Việc dự báo thị trường, định hướng chăn nuôi phù hợp với nhu cầu tiêu dùng đóng vai trò quan trọng. Nếu chúng ta chỉ tập trung gia tăng tổng đàn, sản lượng mà không định hướng, phát triển tốt thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu thì rất dễ xảy ra tình trạng được mùa mất giá và ngược lại.