Phát triển ngành công nghiệp hydrogen Việt Nam

Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và yêu cầu chuyển đổi năng lượng bền vững. Hydrogen xanh đang nổi lên như một giải pháp chiến lược toàn cầu cho mục tiêu chuyển đổi năng lượng không phát thải carbon.

Những tín hiệu tích cực

Ngày 7/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau đó đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư/nghiên cứu, đề xuất các dự án sản xuất hydrogen xanh tại Việt Nam.

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, hiện CTCP TGS Trà Vinh Green Hydrogen đang triển khai đầu tư hai dự án sản xuất hydrogen xanh. Trong đó, dự án nhà máy sản xuất hydrogen xanh Trà Vinh có quy mô công suất 24.000 tấn hydro/năm, 182.500 tấn amoniac/năm và 195.000 tấn oxy/năm đang được bộ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, đã cấp giấy phép xây dựng cho một số hạng mục… Dự án nhà máy sản xuất hydro xanh Bến Tre có quy mô công suất 24.000 tấn hydro/năm, 182.000 tấn amoniac/năm, 195.000 tấn oxy/năm đang trong giai đoạn xin chấp thuận chủ trương đầu tư, dự kiến vận hành quý II/2028. CTCP Năng lượng tái tạo Tiền Giang đang triển khai đầu tư dự án nhà máy sản xuất hydro xanh Tiền Giang có công suất 5.294 tấn hydro/năm, dự kiến đi vào hoạt động tháng 9/2028. Ngoài các dự án trên, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang khảo sát và đề xuất các dự án sản xuất hydro tại các tỉnh thành phía Nam…

Đưa hydrogen trở thành một cấu phần quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng quốc gia

Đưa hydrogen trở thành một cấu phần quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng quốc gia

Hiện nay, hydrogen được sản xuất trong nước chủ yếu từ quá trình lọc hóa dầu và sản xuất phân đạm, dưới dạng hydrogen xám và hydrogen nâu. Tổng sản lượng hydrogen sản xuất đạt khoảng 500 nghìn tấn/năm, chủ yếu phục vụ nhu cầu nội bộ của chính các ngành công nghiệp này.

Về nhu cầu sử dụng, phần lớn hydrogen được tiêu thụ tại các nhà máy sản xuất phân đạm (khoảng 316.000 tấn/năm), nhà máy lọc dầu Dung Quất (39.000 tấn/năm) và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (139.000 tấn/năm), thông qua nguồn hydrogen được sản xuất trực tiếp tại các cơ sở này. Ngoài ra, một lượng rất nhỏ (khoảng 0,5% tổng nhu cầu) được sử dụng tại các ngành như sản xuất thép, kính nổi, điện tử và thực phẩm.

Hiện các doanh nghiệp trong nước đã bước đầu triển khai nghiên cứu chuyển đổi nhiên liệu tại các nhà máy nhiệt điện than, khí; quá trình luyện thép, sản xuất phân đạm và lĩnh vực giao thông vận tải, sang sử dụng hydrogen, amoniac và các dẫn xuất của hydrogen.

Ông Đặng Hải Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than thuộc Bộ Công Thương cho biết, sau hơn 1 năm triển khai, Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với nhiều đề xuất và nghiên cứu dự án được khởi động. Thực tế, dù phần lớn các dự án hiện vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và nghiên cứu tiền khả thi, chưa đi vào vận hành thương mại, nhưng bước đầu đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của chiến lược. Đáng chú ý, công suất sản xuất hydrogen từ năng lượng tái tạo và các quy trình có thu giữ carbon đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra cho giai đoạn đến năm 2030, với sản lượng ước tính khoảng 100.000-500.000 tấn/năm. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan đang tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ; thúc đẩy nghiên cứu khoa học - công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư; chuyển đổi nhiên liệu trong sản xuất - chế biến sang sử dụng hydrogen và mở rộng các ứng dụng thực tiễn. Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm cao trong việc đưa hydrogen trở thành một cấu phần quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng quốc gia.

Cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt

Tuy nhiên, ông Đặng Hải Anh phân tích, ứng dụng hydrogen tại Việt Nam còn khá hạn chế, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực lọc hóa dầu và sản xuất đạm với sản lượng nhỏ, trong khi nhu cầu về hydrogen xanh hầu như chưa hình thành. Trên thế giới, dù nhiều quốc gia đã bắt đầu thúc đẩy phát triển hydrogen xanh, song phần lớn vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm khiến nhu cầu toàn cầu còn hạn chế. Về thu hút đầu tư, ngành hydrogen đang đối mặt với 3 rào cản chính: cơ chế ưu đãi chưa đủ hấp dẫn, chi phí đầu tư ban đầu lớn và khó khăn trong thu xếp vốn. Mặt khác, về công nghệ và hạ tầng, đây là lĩnh vực mới đòi hỏi thời gian dài để nghiên cứu, làm chủ công nghệ hiện đại, trong khi hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành vẫn đang được hoàn thiện. Đặc biệt, hạ tầng tồn trữ, vận chuyển và phân phối hydrogen tại Việt Nam hiện chưa phát triển, đặt ra thách thức không nhỏ cho quá trình triển khai các dự án trong tương lai. Những yếu tố này đang tạo ra bài toán khó cần lời giải đồng bộ từ chính sách đến công nghệ để Việt Nam có thể bắt kịp xu thế phát triển năng lượng sạch toàn cầu.

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng hydrogen, ông Đặng Hải Anh cho biết các Bộ chuyên ngành cũng đã được giao những nhiệm vụ cụ thể như: Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp rà soát danh mục các dự án hydrogen tại Quy hoạch năng lượng quốc gia, bảo đảm sự phù hợp, thống nhất; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hydrogen xanh tại Việt Nam, trình cấp thẩm quyền ban hành… Tuy nhiên, ở cấp địa phương, các UBND tỉnh/thành phố cần chủ động nghiên cứu và kêu gọi đầu tư các dự án hydrogen phù hợp với quy hoạch. Đặc biệt, các doanh nghiệp được khuyến khích xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh, tăng cường ứng dụng hydrogen xanh trong sản xuất. “Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hydrogen, góp phần thực hiện cam kết về chuyển đổi năng lượng bền vững và giảm phát thải carbon”, ông Đặng Hải Anh nhấn mạnh.

Trà Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/phat-trien-nganh-cong-nghiep-hydrogen-viet-nam-166691.html