Phát triển ngành dầu khí Việt Nam: Từ Nghị quyết đến thực tiễn

PetroVietnam và các đơn vị thành viên đang tích cực, chủ động xây dựng chiến lược, cũng như kế hoạch hành động cho công cuộc chuyển dịch năng lượng, đáp ứng tình hình mới, theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng các cán bộ PetroVietnam kiểm tra hoạt động trên giàn Công nghệ Trung tâm số 2, mỏ Bạch Hổ. (Nguồn: PVN)

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng các cán bộ PetroVietnam kiểm tra hoạt động trên giàn Công nghệ Trung tâm số 2, mỏ Bạch Hổ. (Nguồn: PVN)

Đáp ứng phát triển trong tình hình mới

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành dầu khí. Ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Đến nay, Nghị quyết đã triển khai được gần tám năm.

Nhằm “Đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, mới đây, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam).

Theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án, trước bối cảnh và hình hình mới nhiều thay đổi so với những dự báo trước đây, đồng thời, xuất phát từ yêu cầu cấp bách để tạo điều kiện cho sự phát triển đối với ngành dầu khí Việt Nam nói chung và PetroVietnam nói riêng trong thời gian tới, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng Đề án đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW để trình Bộ Chính trị trong quý II/2023.

Theo đó, các bên tập trung trao đổi và làm rõ về tình hình thực hiện Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và những kết quả đạt được; phân tích các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là về chủ trương, cơ chế, chính sách lớn cần Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm, tháo gỡ để PetroVietnam nói riêng cũng như ngành dầu khí Việt Nam nói chung phát triển bền vững;

Ngoài ra, việc nhận diện, phân tích và làm rõ bối cảnh và tình hình mới (so với giai đoạn trước khi ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW) tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam và PetroVietnam, đặc biệt là các xu hướng về chuyển dịch năng lượng; làm rõ về định hướng mở rộng các lĩnh vực hoạt động của PetroVietnam gắn với việc tái cơ cấu để trở thành tập đoàn năng lượng phát triển bền vững, trong đó, làm rõ những tiềm năng, lợi thế của PetroVietnam trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt với điện gió ngoài khơi; đánh giá khả năng khai thác hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng kho cảng dầu khí cũng như kinh nghiệm hoạt động dầu khí để phát triển dịch vụ chế biến, chế tạo các cấu kiện thiết bị, xây lắp công trình năng lượng, điện gió ngoài khơi…; đưa ra các đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 41-NQ/TW.

Sẵn sàng cho thời điểm “chuyển mình”

Thực tế, Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch năng lượng để tạo ra một xã hội trung tính với carbon, thực hiện cam kết giảm thải khí nhà kính theo tinh thần Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Trong bối cảnh đó, theo ông Hoàng Quốc Vượng-Chủ tịch HĐTV PetroVietnam, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững, bên cạnh nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống, PetroVietnam tập trung vào năng lượng tái tạo ngoài khơi. Theo đó, Tập đoàn chủ động, tiên phong trong lĩnh vực công nghệ năng lượng tái tạo ngoài khơi và mục tiêu trở thành đầu mối trong ngành công nghiệp mới này.

Năm 2023, PetroVietnam đề ra nhiệm vụ trọng tâm là triển khai đồng bộ đề án dịch chuyển năng lượng, tập trung đẩy mạnh đánh giá, hoàn chỉnh chiến lược dịch chuyển năng lượng của Tập đoàn, cũng như đề án làm chủ công nghệ và triển khai các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi…

Người lao động Dầu khí làm việc tại công trình dầu khí trên biển. (Nguồn: PVN)

Người lao động Dầu khí làm việc tại công trình dầu khí trên biển. (Nguồn: PVN)

Hiện nay, PetroVietnam đã phân tích, đánh giá thách thức, cơ hội, năng lực kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực này. Đồng thời, đánh giá thế mạnh của Tập đoàn cũng như tình hình tham gia năng lượng tái tạo ngoài khơi của các đơn vị trong chuỗi cung ứng; xây dựng lộ trình đầu tư cơ sở vật chất, xác định mô hình hợp tác để PetroVietnam không ngừng nâng cao năng lực kỹ thuật, sớm làm chủ công nghệ năng lượng tái tạo ngoài khơi…

Theo các chuyên gia, PetroVietnam và các đơn vị thành viên có nhiều lợi thế, tiềm năng, năng lực để triển khai các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi. Điểm tương đồng giữa các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi và các công trình dầu khí trên biển đều là các dự án với kết cấu bằng thép được thi công chế tạo hoàn thiện trên bờ và lắp đặt ngoài khơi.

PetroVietnam hiện là doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về cơ khí chế tạo, thi công và xây lắp các công trình dầu khí ngoài khơi, được khách hàng quốc tế đánh giá cao. PetroVietnam cũng bảo đảm năng lực triển khai ở tất cả giai đoạn của dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi. Sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo ngoài khơi mang lại cơ hội cho những đơn vị cung cấp dịch vụ dầu khí ngoài khơi như Vietsovpetro, PTSC... với kinh nghiệm, nguồn lực, thế mạnh của mình.

Từ nay đến 2030, thời điểm chuyển mình của các doanh nghiệp năng lượng trong đó có PetroVietnam còn rất ngắn. Tập đoàn và các đơn vị trong ngành đã và đang chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng tạo đà cho việc tái tạo kinh doanh, mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi đầy tiềm năng và lợi thế.

Theo kịch bản Net Zero, đến năm 2030 sự chuyển dịch năng lượng sẽ dựa vào các trụ cột chính là tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và điện khí hóa; nhưng sau năm 2030, chuyển dịch năng lượng sẽ theo hướng năng lượng sinh học, hydrogen, nhiên liệu gốc hydrogen và thu hồi và lưu giữ carbon (CCUS). Hydrogen “sạch” sẽ góp vai trò quan trọng cơ cấu năng lượng toàn cầu và là giải pháp trong chuyển dịch năng lượng, cắt giảm khí nhà kính để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Nắm bắt xu hướng và cơ hội chuyển dịch năng lượng xanh, PetroVietnam đã định hướng giai đoạn từ năm 2025-2030 sẽ triển khai thí điểm các dự án sản xuất hydrogen “sạch”; tìm kiếm các nguồn tài chính để triển khai các dự án năng lượng sạch; tìm kiếm khách hàng có nhu cầu trong nước và khu vực để phát triển thị trường; cải hoán hạ tầng vận chuyển, xử lý, tồn trữ, phân phối khí.

Từ năm 2030-2045, Tập đoàn sẽ sản xuất thương mại hydrogen “sạch” sử dụng cho các nhà máy lọc dầu, nhà máy đạm và phát triển các dự án sản xuất nhiên liệu, nguyên vật liệu và xuất khẩu hydrogen “sạch” cho các thị trường trong khu vực, thế giới

Hiện các cơ sở lọc dầu của PetroVietnam như Dung Quất và Nghi Sơn đang xây dựng một kế hoạch nghiên cứu dài hạn về hydrogen. Hai nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau cũng đang có những dự án pilot để sử dụng hydrogen xanh thay thế một phần sản xuất amoniac ở đây.

PetroVietnam cũng đặt mục tiêu phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi và coi đây là tiền đề cho việc sản xuất hydrogen xanh từ điện gió ngoài khơi.

Với bề dày kinh nghiệm, năng lực, nguồn lực và hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong lĩnh vực khai thác dầu khí ngoài khơi, việc PetroVietnam tham gia vào ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi sẽ đem lại lợi ích to lớn, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có của các đơn vị trong nước, tránh lãng phí đầu tư, có thể xuất khẩu dịch vụ ra thị trường quốc tế và đặc biệt góp phần vào công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Khánh Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phat-trien-nganh-dau-khi-viet-nam-tu-nghi-quyet-den-thuc-tien-224267.html