Phát triển ngành nước gắn với an ninh, an toàn, hiệu quả và hội nhập
Chủ đề Tuần lễ nước Việt Nam 2024 là 'Phát triển ngành nước Việt Nam an ninh, an toàn, hiệu quả và hội nhập' với các hội thảo quốc tế về: Luật Cấp thoát nước; quản lý vận hành công trình cấp, thoát nước thich ứng với biến đổi khí hậu; quản trị doanh nghiệp ngành nước thông minh; giới trong ngành nước...
Ngày 6/11, Tuần lễ ngành nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2024 đã khai mạc tại Cung Triển lãm Kiến trúc quy hoạch xây dựng quốc gia (NECC), Thành phố Hà Nội.
Tuần lễ ngành nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2024 do Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) chủ trì tổ chức với chủ đề "Phát triển ngành nước Việt Nam an ninh, an toàn, hiệu quả và hội nhập”.
Việt Nam đối mặt với thách thức lớn trong cấp, thoát nước và xử lý nước thải
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý nước thải do tác động của biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa.
Cấp, thoát nước an toàn ngày càng được quan tâm nhiều hơn ở Việt Nam và trên toàn thế giới, là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Với nhiều thành tựu trong quá trình đổi mới, nền kinh tế Việt Nam không ngừng tăng trưởng, mạng lưới đô thị quốc gia ngày càng được mở rộng, trong đó công tác đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là công tác cấp, thoát nước và xử lý nước thải.
Trong những năm qua, dịch vụ cấp, thoát nước và xử lý nước thải của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiện nay, có khoảng 1.000 nhà máy cấp nước với tổng công suất khoảng 13.2 triệu m3/ngđ và 82 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 1.79 triệu m3/ngđ. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ đạt 94% với tiêu chuẩn cấp nước 120 lít/người/ngày. Tỷ lệ thất thoát thất thu giảm xuống còn 17%.
Hiện nay, có khoảng 1.000 nhà máy cấp nước với tổng công suất khoảng 13.2 triệu m3/ngđ và 82 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 1.79 triệu m3/ngđ. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ đạt 94% với tiêu chuẩn cấp nước 120 lít/người/ngày. Tỷ lệ thất thoát thất thu giảm xuống còn 17%.
Thứ trưởng Phạm Minh Hà nhấn mạnh: "Với quan điểm phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với việc bảo vệ và cải thiện môi trường, Việt Nam đã, đang và sẽ tập trung ưu tiên đầu tư mạnh hơn lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý nước thải theo hướng:
Xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích cho các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực cấp thoát nước...
Ưu tiên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng công nghệ xanh, công nghệ tiên tiến đầu tư vào các lĩnh vực như: Quản lý nguồn nước, quản lý nước thải bền vững, công nghệ xử lý nước thải, cung cấp dịch vụ cấp thoát nước cho dân dụng và công nghiệp...
Đổi mới cơ chế chính sách và mô hình tổ chức, hoạt động các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nước nhằm phát huy tính chủ động, nâng cao năng lực, nâng cao chất lượng dịch vụ".
Nước và sự chống chịu với biến đổi khí hậu
Tại lễ khai mạc, TS Kalanithy Vairavamoorthy, Giám đốc điều hành Hội nước quốc tế cho biết: "Giờ đây, tất cả chúng ta đều biết rằng nước tồn tại như một ưu tiên hàng đầu - và ngày càng được công nhận trên nhiều chương trình nghị sự và diễn đàn toàn cầu.
Theo ông Kalanithy Vairavamoorthy, ngày nay, 80% nước thải trên toàn thế giới chưa được xử lý, dẫn đến những thách thức về sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Tuy nhiên, nước thải hiện được coi là nguồn tài nguyên quan trọng, then chốt cho an ninh nước và nền kinh tế tuần hoàn.
Khai thác giá trị từ nước thải giúp duy trì tài chính cho hệ thống nước, và thay đổi cách chúng ta tiếp cận quản lý nước.
TS Kalanithy Vairavamoorthy đánh giá, hành trình hướng tới an ninh nguồn nước, an toàn cấp nước của Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong ba thập kỷ qua, thích ứng với những thách thức mới bằng khả năng phục hồi và đổi mới.
Được hỗ trợ bởi các đối tác quốc tế, chính phủ đã chuyển từ phát triển nguồn nước thiết yếu sang tập trung vào khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước thải đô thị và tăng trưởng một cách bền vững.
Và nay, trọng tâm đã bắt đầu chuyển sang hướng xây dựng năng lực phục hồi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Ở trong khu vực, nhiều đầu mối đang được thành lập để hỗ trợ đổi mới ngành nước một cách bền vững, bao gồm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh và tài chính cũng như các phương thức hợp tác mới.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cho biết, diễn ra từ ngày 6 đến 8/11, Tuần lễ ngành nước Việt Nam có 5 hội thảo gồm: Dự thảo Luật Cấp thoát nước; Quản lý vận hành hệ thống cấp thoát nước bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; Quản trị doanh nghiệp ngành Nước thông minh, hiệu quả và tăng khả năng chống chịu; Hội thảo chuyên đề về Giới; và Hội thảo Kỹ thuật mở.
Song song với các hội thảo là Triển lãm quốc tế ngành cấp, thoát nước, công nghệ lọc nước, xử lý nước thải và vệ sinh môi trường có quy mô 4.000m2 với 200 gian hàng của 150 tổ chức, doanh nghiệp đến từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ: Áo, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Nga, Singapore, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Pháp, Thái Lan,...
Triển lãm trưng bày sản phẩm, thiết bị ngành nước; công nghệ ngành nước và quản lý tài nguyên nước - môi trường tiên tiến, hiện đại.
Cũng tại sự kiện lần này sẽ diễn ra cuộc họp bàn tròn của Hội nước các nước trong nhóm (SEAWUN) với Giám đốc điều hành của Hội nước Quốc tế trao đổi thảo luận những khó khăn thách thức cũng như các vấn đề cùng quan tâm của khu vực ASEAN và cùng nhau đề xuất hợp tác hỗ trợ với Hội Nước quốc tế...