Phát triển nghề nuôi cá lồng

Phát huy lợi thế mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai đã triển khai nuôi thủy sản, với hơn 4.500 lồng cá, sản lượng cá lồng hằng năm đạt gần 1.200 tấn. Đây cũng là vùng nuôi cá lồng lớn nhất của tỉnh. Những năm gần đây, các hợp tác xã, hộ dân tại huyện Quỳnh Nhai đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi cá lồng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

Nuôi cá lồng dưới chân cầu Pá Uôn, huyện Quỳnh Nhai.

Nuôi cá lồng dưới chân cầu Pá Uôn, huyện Quỳnh Nhai.

Tại khu vực cầu Pá Uôn, hệ thống các lồng cá lớn nối tiếp nhau trải rộng trên mặt nước hai bên cầu mang đến sức sống sôi động cho vùng lòng hồ sông Đà. Theo thời điểm tích nước và xả nước của thủy điện Sơn La, mực nước lòng hồ lên xuống theo mùa và có thời điểm cạn sâu. Những người nuôi cá lồng ở đây, không chỉ nắm rõ về quy trình mực nước của lòng hồ, mà còn giàu kinh nghiệm trong chăm sóc cá theo từng mùa.

Với 300 lồng cá, HTX thủy sản Hồ Quỳnh, xã Chiềng Ơn, có quy mô nuôi cá lồng lớn nhất trên lòng hồ Quỳnh Nhai. Hệ thống lồng cá, nhà chòi, khung thép chắc chắn, bố trí khoa học, giúp việc đi lại, vận chuyển thức ăn, theo dõi đàn cá dễ dàng, thuận lợi. Anh Lò Văn Sơn, Phó Giám đốc HTX thủy sản Hồ Quỳnh, chia sẻ: Chúng tôi chăm sóc cá theo từng giai đoạn, phân loại thức ăn, kỹ thuật phòng bệnh, sử dụng thiết bị đo nồng độ PH, ô xy của nước để có giải pháp điều chỉnh kịp thời; nuôi cá theo quy trình VietGAP, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm khi bán ra.

Nông dân xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai nuôi cá lồng trên lòng hồ.

Nông dân xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai nuôi cá lồng trên lòng hồ.

Tại xã Chiềng Bằng, có 13 HTX, hàng chục hộ dân nuôi thủy sản với hơn 2.600 lồng cá. Chị Lù Thị Hặc, bản Ba Nhất, xã Chiềng Bằng, chia sẻ: Các hộ nuôi cá lồng thường xuyên được cán bộ khuyến nông của huyện, xã hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc, cách sơ chế, trộn thức ăn cho cá theo từng giai đoạn phát triển; cách sử dụng thức ăn hữu cơ và phòng bệnh cho đàn cá, giúp thịt cá thơm ngon. Với 10 lồng cá, nuôi đa dạng các loại cá trắm, chép, lăng nheo, mỗi năm gia đình thu hoạch 1 - 2 tấn cá, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Quỳnh Nhai đang duy trì 270ha mặt nước nuôi thủy sản, hơn 4.500 lồng cá, sản lượng nuôi và đánh bắt hằng năm đạt trên 1.800 tấn. Toàn huyện có 25 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nuôi, chế biến thủy sản. Quỳnh Nhai chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho thủy sản, hỗ trợ về sản xuất, thành lập HTX, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu OCOP, thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá lồng.

Khu vực nuôi cá lồng của HTX thủy sản Hồ Quỳnh, xã Chiềng Ơn.

Khu vực nuôi cá lồng của HTX thủy sản Hồ Quỳnh, xã Chiềng Ơn.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Phòng đã tham mưu cho huyện triển khai việc hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các HTX thủy sản có tiềm lực trên địa bàn huyện nuôi cá lồng theo hướng VietGAP. Tăng cường thu hút đầu tư, giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, có chính sách ưu tiên, khuyến khích hoạt động của các cơ sở chế biến thủy sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm cá sông Đà.

Ngoài tiêu thụ trực tiếp, cá lồng Quỳnh Nhai được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng, như: Chả cá, xúc xích cá, ruốc cá, cá rút xương, cá sấy khô... Có 2 sản phẩm OCOP là chả cá sông Đà và cá sông Đà cấp đông. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật từ nuôi, chăm sóc và chế biến thủy sản là giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm từ nghề nuôi cá lồng của huyện, tăng khả năng tiêu thụ, tạo sự bền vững cho ngành nghề gắn với thế mạnh địa phương của vùng lòng hồ Quỳnh Nhai.

Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/phat-trien-nghe-nuoi-ca-long-pRhcdlTHR.html