Liên tục trong hơn 10 năm qua, dù có thời điểm khó khăn về đầu ra, nguồn vốn đầu tư nhưng gia đình anh Đinh Văn Khánh ở xóm Ké; Xa Văn Mong ở xóm Dưng, xã Hiền Lương (Đà Bắc) cùng hàng chục hộ trong xã vẫn kiên trì với nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ sông Đà. Bởi, chính nghề nuôi cá lồng đã giúp các hộ vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên làm giàu...
Từ việc mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng, nhiều hộ hoàn cảnh khó khăn ở xóm Săng Bờ, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Nghị quyết của lòng dân Ngày 19/10/2009, Huyện ủy Đà Bắc ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU về phát triển ngành thủy sản vùng lòng hồ sông Đà, mục tiêu đưa ngành thủy sản vùng lòng hồ, đặc biệt là phát triển ngành nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương vùng lòng hồ. Theo đồng chí Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện, nghị quyết ra đời đáp ứng được nguyện vọng, mong mỏi của người dân. Đồng chí Nguyễn Đăng Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương cho biết, ngay sau khi Huyện ủy ban hành nghị quyết mang tính "mở đường” này, không chỉ xã Hiền Lương mà tất cả các xã vùng lòng hồ của huyện đều cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, xây dựng chương trình hành động cụ thể đưa cá lồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Như ở Hiền Lương, đến nay sau hơn 10 năm thực hiện nghị quyết, toàn xã đã phát triển, duy trì 395 lồng cá, sản lượng trên 20 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở các xóm Mơ, Doi, Dưng, Ké. Nhiều hộ hoàn cảnh khó khăn đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư nuôi cá lồng, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Cũng như Hiền Lương, những năm qua, thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, xã Tiền Phong đã phát huy tiềm năng, lợi thế, tận dụng mặt nước lòng hồ để phát triển nghề nuôi cá lồng, coi đây là một hướng phát triển kinh tế mũi nhọn. Nhiều hộ có cách làm mới, sáng tạo khi kết hợp làm du lịch cộng đồng với dịch vụ thăm quan, trải nghiệm và tiêu thụ sản phẩm cá lồng. Nhờ đó góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng kênh tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Còn nhiều khó khăn để khai thác hết tiềm năng, lợi thế vùng hồ Với diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Hòa Bình khoảng 5.979,7 ha, điều kiện khí hậu, sinh thái và hệ thủy văn thuận lợi. Toàn huyện có 10 xã giáp với vùng hồ, gồm: Nánh Nghê, Mường Chiềng, Đồng Chum, Đồng Ruộng, Yên Hòa, Tiền Phong, Vầy Nưa, Hiền Lương, Cao Sơn, Toàn Sơn. Quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm, kiểm tra sát sao, đôn đốc thực hiện và nhất là luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân. Theo đồng chí Hoàng Văn Đảm, Phó Bí thư TT Huyện ủy, ngay sau khi ban hành, Nghị quyết số 08-NQ/HU đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, có hiệu quả. Từ đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo động lực cho người dân các xã vùng hồ mạnh dạn đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển nghề nuôi cá lồng. Từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ đã hình thành các HTX, tổ hợp tác nuôi cá lồng. Như ở Hiền Lương, HTX sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản xóm Doi duy trì từ 18 - 20 lồng cá, thu nhập bình quân trên 350 triệu đồng/năm, tổ hợp tác xóm Ké duy trì từ 6 - 8 lồng, mang lại nguồn thu 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhiều hộ ở các xã: Vầy Nưa, Tiền Phong, Đồng Ruộng mạnh dạn đầu tư nuôi từ 4 - 6 lồng cá, mang lại nguồn thu trên dưới 100 triệu đồng/năm. Theo thống kê, tính đến năm 2022, toàn huyện có 1.066 lồng cá của 522 hộ dân; sản lượng hàng năm đạt trên 1.000 tấn, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU, theo đánh giá của huyện Đà Bắc, kết quả thu được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện, còn một số tồn tại, yếu kém cần tiếp tục khắc phục. Theo đồng chí Hoàng Văn Đảm, đó là đầu ra, khâu tiêu thụ sản phẩm. Hiện, cá lồng lòng hồ vẫn chưa trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị lớn là bởi đầu ra, khâu liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, tự túc. Thêm nữa tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá cá giống, thức ăn để đầu tư nuôi một số loại cá đặc sản tăng cao, ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư, mở rộng quy mô nuôi cá lồng của huyện. Giải quyết vấn đề này, thời gian tới huyện chủ động tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối sản phẩm cá lồng của địa phương đến các nhà phân phối lớn; tiếp tục xây dựng các hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi một cách bền vững... "Chỉ có đảm bảo đầu ra ổn định gắn với phát triển nuôi trồng mới có thể tính đến các yếu tố mở rộng quy mô sản xuất, khai thác triệt để, hiệu quả tiềm năng, lợi thế mặt nước lòng hồ. Đó cũng là mục tiêu huyện đang hướng tới. Trong đó, Nghị quyết số 08/NQ-HU tiếp tục là "kim chỉ nam”, định hướng quan trọng cho việc phát triển ngành thủy sản vùng lòng hồ sông Đà của huyện trong giai đoạn tới” - đồng chí Hoàng Văn Đảm nhấn mạnh. Mạnh Hùng