Phát triển nghề nuôi thủy sản đại dương

Chiến lược phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 xem như là cánh cửa, mở ra một chặng đường mới trong nuôi trồng thủy sản đại dương tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) nhận định, hiện nay, dân số thế giới tiếp tục tăng, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, trong đó hải sản càng tăng cao hơn, dẫn đến việc nuôi trồng thủy sản đại dương trở thành một xu hướng toàn cầu do tiềm năng to lớn. Bởi theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) đến năm 2030 tiêu dùng thế giới cần thêm đến 19 triệu tấn hải sản/năm, cao hơn hiện tại đến 17 lần.

Riêng tại Việt Nam, tiềm năng về nuôi trồng hải sản cũng rất lớn, nhờ đường bờ biển dài, Vùng đặc quyền kinh tế tương đối lớn và các vùng nước đa dạng ôm lấy nhiều đầm, phá và vịnh… Đây chính là những điều kiện thuận lợi để ngành nuôi thủy sản đại dương phát triển mạnh trong thời gian tới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), Việt Nam có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm 30% diện tích biển đông. Bờ biển Việt Nam dài trên 3.200 km, với hơn 3.000 hòn đảo và quần đảo (Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Sơn, Phú Quý, Bạch Long Vĩ, Trường Sa...) và nhiều eo, vịnh đầm, phá... Tất cả những vùng này hiện phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đại dương, góp phần quan trọng vào sản xuất chế biến thủy hải sản xuất khẩu. Cụ thể là nuôi trồng thủy sản cá biển (cá song, giò, vượt, cá chẽm...), nhuyễn thể (nghêu, hàu, sò, tu hài, ốc hương...), giáp xác (tôm hùm, cua, ghẹ...) và rong biển.

Tại nhiều tỉnh giáp biển (Quảng Ninh, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Kiên Giang…) cũng đã hình thành nhiều mô hình nuôi thủy sản đại dương quy mô lớn bằng công nghệ tiên tiến. Những sản phẩm thủy sản từ đây (cá giò, cá chim vây vàng) xuất khẩu đến các thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Với những lợi thế về địa lý, thiên nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập Chiến lược phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là phát triển mạnh công nghiệp nuôi biển xa bờ, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, bền vững, tạo sản phẩm chất lượng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm, có thương hiệu, cung ứng thị trường nội địa và xuất khẩu.

Mục tiêu đến năm 2020 đạt sản lượng nuôi biển 810.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị 500 triệu - 700 triệu USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng đạt 1,750 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hải sản nuôi biển đạt 4 tỷ - 6 tỷ USD. Đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN và châu Á. Vị thế là đứng trong TOP 5 thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu hải sản năm 2050 với sản lượng nuôi biển đạt 3 triệu tấn/năm, giá trị thương mại và xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD/năm.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản (thuộc Vasep) cho biết thêm, hiện nay Việt Nam có khoảng 50.000 hộ gia đình sống dọc theo các khu vực ven biển tham gia nuôi trồng hải sản, nhưng hầu hết đều có quy mô nhỏ với công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, không bền vững và gây ô nhiễm môi trường ở một số khu vực. Thật sự, người dân hiện cũng chưa biết được tiềm năng to lớn của việc nuôi thủy sản đại dương, mà chủ yếu là mưu sinh, với những hoạt động gần bờ để tránh bão, biển động và thời tiết khắc nghiệt khác. Trong khi đó, nghề nuôi trồng hải sản ngoài khơi, mới thật sự mang lại lợi ích to lớn.

Ngoài ra, nuôi thủy sản tại các tỉnh còn rất nhỏ lẻ, quy mô doanh nghiệp lớn, số lượng đủ cung cấp cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu còn đếm trên đầu ngón tay, hoàn toàn chưa xứng tầm với tiềm năng mà biển đang có. Vì vậy, Chiến lược phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 xem như là cánh cửa, mở ra một chặng đường mới trong nuôi trồng thủy sản đại dương tại Việt Nam. Còn lại là chính sách phát triển đồng bộ, năng lực nhà quản lý, tiềm lực của doanh nghiệp… có đủ để đưa việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản đại dương đạt hiệu quả mong muốn hay không.

Thanh Trà

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/phat-trien-nghe-nuoi-thuy-san-dai-duong-92367.html