Phát triển nghệ thuật Việt Nam: Thực tiễn, tồn tại và những gợi mở

Cần làm gì để phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại? đây là câu hỏi thu hút sự quan tâm của nhiều diễn giả, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tham dự Hội thảo khoa học 'Cơ sở lí luận và thực tiễn về phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại vì sự phát triển bển vững' diễn ra sáng 30/6, tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam- Phân viện tại TP.HCM.

Nền nghệ thuật phong phú, đa dạng, độc đáo, chứa đựng bản sắc văn hóa của dân tộc

Sáng 30/6, tại TP.HCM, Viện Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Cơ sở lí luận và thực tiễn về phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại vì sự phát triển bền vững". PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương- Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và GS.TS. Nguyễn Xuân Tiên- Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cùng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú- Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nhà văn Bùi Anh Tấn- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM, nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM, TS. Mai Thị Thùy Hương- Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, các diễn giả, nhà khoa học tới từ các trường, các viện nghiên cứu, cùng các đại biểu, những nhà nghiên cứu khoa học, học giả… tại TP.HCM.

Hội thảo được tổ chức nhằm tìm hiểu và nghiên cứu, củng cố cơ sở lí luận và thực tiễn về phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại vì sự phát triển bền vững, là một phần thuộc Đề án Khoa học và công nghệ cấp Quốc gia Phát triển nghệ thuật ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chủ trì.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia có nền nghệ thuật vô cùng phong phú, đa dạng, độc đáo và chứa đựng bản sắc văn hóa của dân tộc. Cùng với lịch sử của dân tộc, nghệ thuật Việt Nam phát triển không ngừng và đến nay đã đạt được nhiều thành quả nhất định.

Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng trước bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sự cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia trên trường quốc tế đang ngày càng gay gắt hiện nay, sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt ra.

Từ thực tiễn này, TS. Nguyễn Xuân Tiên đặt vấn đề "đòi hỏi văn hóa và nghệ thuật Việt Nam phải có cách nhìn mới, những chủ trương mới và sự chỉ đạo, định hướng quyết liệt để khắc phục những hạn chế và phát huy những điểm mạnh của ngành, thúc đẩy nền nghệ thuật quốc gia phát triển sao cho xứng đáng với vai trò, vị trí vốn có của nó."

TS. Nguyễn Xuân Tiên cũng khẳng định: "Trong bối cảnh như vậy, việc nghiên cứu một cách tổng thể, hệ thống mang tính liên ngành và tiếp cận nghệ thuật theo chiều kích khác nhau với mục tiêu phát triển nghệ thuật Việt Nam vì sự phát triển bền vững là vô cùng cần thiết và cấp bách".

Hội thảo tập trung các vấn đề chính như: Lịch sử nghiên cứu, các lý thuyết, quan điểm tiếp cận và các khái niệm liên quan đến phát triển nghệ thuật gắn với phát triển bền vững trên thế giới và Việt Nam; Xu hướng, nguyên tắc và phương pháp luận trong nghiên cứu, đánh giá sự phát triển bền vững trên thế giới và tại Việt Nam; Hệ thống quan điểm, đường lối và khuôn khổ chính sách phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại hướng tới phát triển bền vững; Nhận diện các yếu tố tác động đến sự phát triển nghệ thuật ở Việt Nam trong bối cảnh đương đại hướng tới phát triển bền vững.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của các diễn giả, đại biểu tại TP.HCM

Hội thảo nhận được sự quan tâm của các diễn giả, đại biểu tại TP.HCM

Phát triển văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong thời đại mới cần cách nhìn đổi mới

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề liên quan tới chủ đề của Hội thảo. Nhiều tham luận do các diễn giả trình bày tại Hội thảo cũng vượt qua những "rào cản" về mặt lý thuyết đi thẳng tới thực tiễn hôm nay.

Từ quan điểm một nhà nghiên cứu chính sách, TS. Nguyễn Thị Thanh Hoa đã đưa ra 3 mô hình tiếp cận: nghệ thuật trong sự phát triển bền vững, nghệ thuật vì sự phát triển bền vững và nghệ thuật như là sự phát triển bền vững. Với cách tiếp cận này cho thấy, hiện nay đã có sự vượt ra ngoài tư duy đơn thuần, "nghệ thuật với tư cách là nòng cốt của văn hóa được khẳng định là một trong những lĩnh vực có đóng góp xuyên suốt vào việc đạt được các mục tiêu phát triển về kinh tế, xã hội và môi trường". TS. Thanh Hoa cũng khẳng định, phát triển nghệ thuật thể hiện một quá trình toàn diện, tích hợp các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa với sự tham gia của rất nhiều chủ thể liên quan đến việc sáng tạo, phân phối và hưởng thụ nghệ thuật.

Lấy minh chứng thực tế phát triển nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay, TS. Nguyễn Xuân Tiên đưa ra nhận định, muốn phát triển văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong thời đại mới cần có cách nhìn đổi mới về tư duy quản lý xã hội, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, môi trường hoạt động, quảng bá tác phẩm, nhận thức, trách nhiệm của người nghệ sĩ, nâng tầm thẩm mĩ của công chúng… từ đó văn nghệ sĩ mới có nhiều "đất dụng võ", sáng tác được nhiều tác phẩm, cống hiến nhiều cho đất nước, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam phát triển bền vững và phát triển một cách đồng bộ, không cục bộ.

Tại Hội thảo, PGS.TS Đoàn Thị Mỹ Hương với những dẫn chứng thực tế đã cho thấy một phần hiện trạng nghệ thuật công cộng tại Việt Nam, dù đây là một khái niệm mới xuất hiện tuy nhiên trong thực tiễn, các công trình nghệ thuật công cộng ở Việt Nam đã và đang ngày càng phát triển. Trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận thì khái niệm này cũng mới được quan tâm chưa lâu, bởi vậy, TS. Mỹ Hương cho rằng, các nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật và nghệ thuật công cộng thực tế chưa theo kịp tốc độ phát triển của các tác phẩm nghệ thuật công cộng ở Việt Nam.

Nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam trong thời đại kỹ thuật số, PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm đưa ra nhìn nhận, hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số, cạnh tranh số. Nếu không nhìn nhận đến những mặt tiêu cực của khoa học công nghệ mà sử dụng khoa học công nghệ như một phương tiện thì những ứng dụng đó sẽ vô cùng ích lợi, không chỉ đối với hoạt động âm nhạc đương đại mà còn là những đóng góp cho phát triển bền vững và phù hợp với thời đại.

Trong điện ảnh- một lĩnh vực là tổng hòa của nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, tuy nhiên, PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú đã chỉ ra những bất cập về mặt cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này. "Cần làm gì để công nghiệp điện ảnh Việt Nam thực sự phát triển bền vững", PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú giải đáp bằng 7 giải pháp sau khi tham chiếu các nền điện ảnh phát triển trên thế giới như, Nhà nước thường xuyên quan tâm đồng hành cùng chiến lược xây dựng các tập đoàn điện ảnh; đầu tư toàn diện cho điện ảnh; tích cực phát hiện, nâng đỡ cho các ý tưởng điện ảnh…; cần quan tâm đặc biệt đến chiến lược quảng cáo, tuyên truyền giới thiệu phim qua truyền thông; đẩy mạnh các hoạt động cộng đồng, thay đổi đần thói quen thưởng thức của khán giả…; kiến tạo một hệ sinh thái với hệ thống rạp chiếu, công ty sản xuất, phát hành phim... mở rộng phát hành phim trên các nền tảng xuyên biên giới, truyền hình trả tiền... để tiếp cận nhiều hơn với khán giả; khắc phục tình trạng manh mún, thiếu liên kết, dẫn đến việc đầu tư phát triển không hiệu quả.

Thảo luận tại Hội thảo, nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Phạm Bình An, TS. Trần Thành Nam- Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, ông Lê Hữu Luận- nguyên Giám đốc Nhà hát TP.HCM, TS. Đoàn Minh Ngọc (ĐH Mỹ thuật TP.HCM), TS. Nguyễn Hồ Phong (ĐH Văn hóa TP.HCM) đã chỉ ra những thực tế, các vấn đề, bất cập, đổng thời nêu ý kiến và gợi mở các giải pháp trong các hoạt động nghệ thuật của lĩnh vực mình tham gia.

Nghệ thuật được coi là một giá trị nội tại vô cùng quan trọng trong phát triển bền vững

Nghệ thuật được coi là một giá trị nội tại vô cùng quan trọng trong phát triển bền vững

Các thế hệ nghiên cứu thể hiện tinh thần chung đều vì sự phát triển bền vững

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương một lần nữa nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Hội thảo trong quá trình thực hiện Đề án Khoa học và công nghệ cấp Quốc gia Phát triển nghệ thuật ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, phần Cơ sở lí luận và thực tiễn luôn là vấn đề khó, hóc búa, ở tầm vĩ mô, tuy nhiên phần này đã được các nhà nghiên cứu ở các thế hệ khác nhau cùng nghiên cứu và trình bày tại Hội thảo, thể hiện tinh thần chung của các thế hệ đều vì sự phát triển bền vững, có nền tảng, có thực tiễn, vì sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại.

Các ý kiến tại Hội thảo cũng đặt ra vấn đề: Làm thế nào để đưa ra các giải pháp cho phát triển nghệ thuật Việt Nam phải đứng vững trong bối cảnh đương đại, vì sự phát triển bền vững, thể hiện nội lực dân tộc trong sự kết nối với quốc tế.

Từ các đề xuất tại Hội thảo, trong thời gian tới, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam sẽ kiến nghị Viện Nghiên cứu văn hóa và Phát triển tiếp tục tổ chức 1 Hội thảo liên quan đến các vấn đề về cơ hội, thách thức, giải pháp hình thành Thành phố sáng tạo đối với TP.HCM. Đồng thời đề nghị các cơ quan, tổ chức, các đại biểu tiếp tục đồng hành để các giải pháp được hệ thống hóa, đồng thuận.

Một nội dung cũng được Viện trưởng Nguyễn Thị Thu Phương đề cập đến là, cần tập trung vào các giải pháp liên quan sửa đổi Luật Đầu tư để làm sao các lĩnh vực nghệ thuật trở thành ưu tiên trong Luật Đầu tư. Đồng thời, Nghị quyết 90, liên quan xã hội hóa, sẽ được thể hiện vào cơ chế đặc thù của TP.HCM, phát triển lĩnh vực nghệ thuật của Thành phố, trở thành tiêu điểm của các thành phố khác của Việt Nam.

Viện trưởng cho rằng các chính sách của Đảng, Nhà nước cần phải tiếp cận các yêu cầu phát triển bền vững và gắn với sức mạnh nghệ thuật truyền thống cũng như xu hướng nghệ thuật đương đại, ứng dụng một cách chủ động các tiến bộ KHCN. Bên cạnh đó, chú trọng các giải pháp liên quan đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam, nhất là các trung tâm như TP.HCM.

Các nội dung được Viện trưởng đề cập đến như: các vấn đề liên quan đến Việt Nam gắn chặt với giải pháp nâng cao nhận thức, đa dạng hóa, truyền thông, cố gắng làm những việc này một cách đa dạng, thực chất, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Chuyển đổi cách nhìn nhận về vấn đề này đối với các chủ thể quản lý lĩnh vực liên quan tại địa phương...

"Các thành phần ngồi đây cùng kết nối với nhau để tạo ra những xung lực kết nối, kéo các chủ thể quản lý Nhà nước tham gia vào câu chuyện này", Viện trưởng nói, đồng thời cho hay, các ý kiến tại Hội thảo sẽ được BTC tiếp nhận, hệ thống lại để có những công văn, đề xuất với UBND TP.HCM, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Sở VHTT… Tất cả cùng chung 1 chuyển động để từ mô hình TP.HCM sẽ mở ra những giải pháp mang tính tổng thể để phát triển./.

Khánh Vân

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/phat-trien-nghe-thuat-viet-nam-thuc-tien-ton-tai-va-nhung-goi-mo-20240630192037299.htm